Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, cây ăn trái vùng nhiễm mặn

Ngày 22/2, Cục Trồng trọt có Công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL về việc Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, cây ăn trái cho vùng nhiễm mặn.

Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, cây ăn trái vùng nhiễm mặn - 56cc13bc7f481

Công văn nêu: Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” ngày 17/2 vừa qua tại Cần Thơ. Theo sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn ĐBSCL năm 2016”; Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình hướng dẫn để ứng phó kịp thời với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trồng trọt tại các tỉnh ĐBSCL.

Để tổ chức thực hiện kịp thời và hiệu quả các nội dung của Hướng dẫn kỹ thuật trên, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập trung chỉ đạo, triển khai các nội dung sau:

1. Tập trung thông tin, tuyên truyền tới các địa phương và hộ trồng lúa và cây ăn trái về các nội dung “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn ĐBSCL năm 2016”.

2. Chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc, cán bộ chuyên môn hướng dẫn các hộ nông dân trồng lúa, cây ăn trái thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật với từng điều kiện cụ thể trong “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn ĐBSCL năm 2016” nhằm ứng phó kịp thời với tình hình diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn.

3. Theo dõi, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện, tổng hợp đánh giá kết quả, báo cáo Bộ NN-PTNT những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời.

4. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bố trí kinh phí in 20.000 tờ Hướng kỹ thuật để phân phát cho các địa phương và các hộ nông dân trong thời gian sớm nhất.

Biện pháp kỹ thuật

1. Đối với cây lúa

a) Trà đông xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ, áp dụng các biện pháp sau:

– Vùng bị nhiễm mặn trên 3 phần nghìn: Tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào các kênh mương và tưới cho lúa.

– Vùng bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn: Ngoài biện pháp tích nước ngọt rửa mặn còn áp dụng biện pháp như sau:

+ Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trỗ. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn) hoặc dùng nước ngọt tưới phun lá.

+ Phun một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10 gR/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone…).

b) Vụ hè thu:

– Vùng bị nhiễm mặn trên 3 phần nghìn tuyệt đối không xuống giống.

– Vùng bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:

Sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn như OM5451; OM2517; OM6976; OM6162; OM9921; GKG1; OM 6677.

Cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn.

Tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi khi làm đất, lượng 500 – 1.000 kg vôi bột/ha.

Sử dụng các dạng phân ure chậm tan như đạm vàng (Ure 46A+) hoặc đạm xanh (Ure + NEB26) để chống thất thoát đạm. Tăng cường bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu.

Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trỗ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục nhiều lần.

Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh; dưới 1 phần nghìn với các giai đoạn mạ, lúa làm đòng và trỗ).

Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng cần tưới phun nước ngọt cho mạ hoặc kết hợp tưới phun nước ngọt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với lượng nước phun khoảng 600 – 800 lít/ha.

2. Đối với cây ăn quả

– Khi có nguy cơ bị nhiễm mặn, chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế thoát hơi nước.

– Khi đã bị nhiễm mặn: Bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500 – 1.000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như KNO3 (10 gr/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone…). Không tưới nước có độ mặn trên 2 phần nghìn. Khi có nguồn nước ngọt, tranh thủ tích nước và tưới để giữ ẩm.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa, cây ăn trái vùng nhiễm mặn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *