Cách phòng trừ bệnh nấm hồng hại trên cây ăn quả

Bệnh nấm hồng phát triển tốt trong điều kiện nóng ẩm. Điều kiện khí hậu thời tiết ở Nam bộ trong mùa mưa khá thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển trừ một số nơi có độ cao, trời mát.

Bệnh nấm hồng (còn gọi là mốc hồng) là một bệnh phổ biến trên cây thân gỗ ở các vùng nhiệt đới ẩm trên thế giới. Bệnh rất phổ biến trên cây ăn quả đặc biệt trên khu vực rìa phía Nam của Tây Nguyên. Những vùng có lượng mưa cao trên 250 mm/tháng, có thời tiết nóng ẩm dài ngày trong mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Vùng Tân Phú, Định Quán của Đồng Nai, Ma Đ’hoai, Đam B’ri, Cát Tiên của Lâm Đồng, phía Bắc tỉnh Bình Dương, Bình Phước… là những nơi bệnh phát triển phổ biến và gây thiệt hại đáng kể. Các cây ăn quả thân gỗ như cây xoài, sầu riêng, cây mít, nhãn, chôm chôm, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, cây có múi, cây bơ, cây măng cụt …là những cây bị gây hại phổ biến. Bệnh nấm hồng còn là dịch hại nguy hiểm trên một số cây công nghiệp như cây cao su, cà phê, cây tiêu, cây điều, cây ca cao…

Ký sinh và điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh nấm hồng phát triển tốt trong điều kiện nóng ẩm. Điều kiện khí hậu thời tiết ở Nam bộ trong mùa mưa khá thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển (trừ một số nơi có độ cao, trời mát).

Bệnh tấn công chủ yếu trên vỏ của thân và cành của cây trưởng thành. Vết bệnh thường xảy ra ở vị trí phân cành hoặc các cành mọc ngang. Triệu chứng ban đầu là dạng chỉ màu trắng của khuẩn ty phát triển trên bề mặt của vỏ cây. Trong điều kiện nóng ẩm, vết bệnh lây lan nhanh chóng tạo thành một lớp khuẩn ty bao phủ quanh thân cành. Khuẩn ty ngày càng dày đặc như lớp phấn phủ có màu trắng phấn, về sau chuyển màu hồng phấn. Ở giai đoạn cuối chuyển màu xám trắng. Đồng thời trong quá trình lan rộng của vết bệnh, nấm ký sinh xâm nhập vào bên dưới phá hại mạch dẫn và tượng tầng làm làm chết vỏ cây; nước và chất dinh dưỡng không được vận chuyển lên trên làm cho phần cành phía trên vết bệnh khô và chết sau đó. Phần vỏ nơi bị bệnh thường bị nứt và chảy nhựa.

Quản lý bệnh nấm hồng

Vườn cây ăn quả trồng gần các lô cao su thường dễ bị lây lan bệnh từ các vườn cao su. Những nơi nằm sâu dưới các thung lũng hoặc dọc theo các con suối sâu nơi có ẩm độ cao nhiều giờ trong ngày, thiếu ánh nắng trực tiếp và độ thông thoáng thấp nguy cơ bị bệnh gây hại nghiêm trọng rất cao.

Mặc dù nấm bệnh tấn công hầu hết các giống cây ăn quả thân gỗ. Tuy nhiên, cũng có những giống rất mẫn cảm với bệnh làm cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hạn chế sử dụng những giống mẫn cảm mạnh với bệnh ở những khu vực nguy cơ bệnh cao. Ở Malaixia, hầu như tất cả các giống xoài được thử nghiệm điều nhiễm bệnh nấm hồng. Tất cả những giống sầu riêng được trồng phổ biến ở miền Đông Nam bộ đều bị nhiễm bệnh nấm hồng trong điều kiện ngoài đồng. Các cây thuộc nhóm cây có múi như cây bưởi, quýt đường, chanh, cam sành, quýt tiều; cây mãng cầu, cây nhãn … đều bị bệnh ngoài đồng.

– Tạo vườn cây thông thoáng, có gió lưu chuyển không khí và ánh nắng mặt trời xuyên qua bên trong tán sẽ giúp hạn chế được bệnh. Nên trồng cây ở mật độ vừa phải; tránh trồng xen dày đặt, tỉa bớt tán cây chắn gió trong mùa mưa, thoát nước tốt cho vườn cây sau mưa là những biện pháp có lợi cho việc hạn chế bệnh. Nên tiến hành tỉa cánh tạo tán cho tán cây, tạo một khoảng trống hình ống trên đĩnh tán đi vào bên trong cành chính và thân nơi phân nhánh. Đây là kỹ thuật tạo tán hiện đại đã được áp dụng nhiều trên các cây nhãn, cây bơ, chôm chôm, cây xoài… Cách tạo tán này giúp tán cây thông thoáng, nhận nhiều ánh sáng mặt trời giúp tăng năng suất và giảm bệnh.

– Ngăn ngừa lây lan là cần thiết. Việc phòng trừ cần được tiến hành trên diện rộng hiệu quả mới cao. Những vườn chớm bệnh cần tập trung theo dõi và phòng trị kịp thời để hạn chế lây lan. Tránh mang cây của cây bị bệnh hay từ vườn bị bệnh vào vườn khác (hay sử dụng cành nhánh làm trụ cho cây tiêu, để chống đỡ cây trong vườn hay vất trong vườn làm củi đun…)

– Thường xuyên theo dõi để phát hiện bệnh sớm, phòng trừ bệnh kịp thời để giảm thiệt hại, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí phòng trừ. Vườn cây và các khu vực có lịch sử nhiễm bệnh cần được chú ý theo dõi. Những tháng có mưa nhiều và tập trung (tháng 6 – 7 và tháng 9 – 10) cần tập trung theo dõi để phát hiện bệnh. Ở Nam bộ, mưa cũng thường tập trung và kéo dài khi có các áp thấp nhiệt đới và bão là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và ngăn cản việc phòng trừ bằng thuốc hóa học.

– Trong điều kiện bệnh nặng, việc phòng trừ chủ yếu là tỉa bỏ, tiêu huỷ nguồn bệnh và sử dụng thuốc hóa học. Các cành nhánh bị bệnh cần được cắt và đem tiêu hủy, sau đó bôi hoặc phun thuốc trừ nấm. Những phần vỏ chớm bệnh có thể cạo bỏ phần mô bệnh đem tiêu huỷ và bôi thuốc trừ nấm lên vết thương.

– Bôi thuốc: sau khi cạo bỏ mô bệnh hay cắt tỉa cành bệnh, cần bôi thuốc vào các vết thương. Việc quét thuốc có thể tiến hành để phòng bệnh trên các đoạn phân nhánh, nơi dễ bị bệnh… Duy trì lớp thuốc bảo vệ cho đến khi vết thương lành sẹo hoặc điều kiện thuận lợi cho bệnh đi qua.

– Phun thuốc:
có thể phun phòng khi thời tiết thích hợp cho bệnh phát triển hoặc phun sau khi tiến hành tỉa cành tạo tán, xử lý vết bệnh….

Các loại thuốc có thể sử dụng như dung dịch Bordeaux 1%, Oxyt Clorua đồng, Validacin 5L, Bonaza 100DD… Validacin 5L pha 10-15 ml/bình 8 lít, Bonaza 100DD 5 – 12 ml/bình 8 lít. Phun đều lên thân cành. Nên phun vào buổi sáng để tránh các cơn mưa chiều và phun thuốc lúc tán cây khô ráo. Khi thấy bệnh chớm xuất hiện có thể phun 1 –  2 lần, tiếp tục theo dõi để quyết định có cần phun tiếp theo.

– Có thể kết hợp giữa bôi thuốc và phun thuốc. Để giảm chi phí có thể phối hợp luân phiên với thuốc gốc đồng. Lưu ý, không nên pha trộn thuốc gốc đồng với thuốc trừ nấm hoặc thuốc trừ sâu khác khi chưa hoặc không rõ về chúng.

Nguồn: Tin Hội khuyến nông phía Nam

Thảo luận cho bài: Cách phòng trừ bệnh nấm hồng hại trên cây ăn quả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *