Mô hình nuôi Bò siêu thịt ở Lạc Xuân

Nông hộ Võ Huy Tuấn (sinh năm 1975) vừa ghi vào danh mục những trang trại tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng với quy mô chăn nuôi gần 100 con bò siêu thịt. Đây là trang trại đã tìm tòi, nghiên cứu “phối ngẫu” thành công giữa các giống bò BBB (Bỉ), Red Angus (Úc), Brahman (Ấn Độ) với bò lai sind địa phương, đạt lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng mỗi năm ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương.

Chuyển đất rau sang trồng đất cỏ

Cách mặt đường Quốc lộ 27 chưa tới một cây số, trang trại bò siêu thịt của nông hộ Võ Huy Tuấn trải rộng 3,5 ha dưới một ngọn đồi thông xanh ngát, thuộc địa phận thôn Lạc Bình, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Vẫn đang ở thời điểm mùa khô, nhưng đồng cỏ chăm sóc trong trang trại vẫn tươi tốt nhờ chủ động nguồn nước tưới từ dòng suối bao bọc xung quanh. Tuấn phác thảo: “Trên diện tích 3,5 ha, trang trại chỉ mới bố trí xây dựng 0,2 ha chuồng trại; còn lại hầu hết diện tích 3,2 ha đều trồng cỏ sữa để nuôi đàn bò siêu thịt. Trồng theo hình thức cuốn chiếu trên từng phần đất nối tiếp nhau, nên mỗi sáng đều đặn thu hoạch khoảng 3 tấn cỏ sữa tươi, cộng thêm với các thành phần rơm khô, cám gạo, mật mía… mua về cung cấp đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn một ngày cho 100 con bò siêu thịt của trang trại…”.

Mô hình nuôi Bò siêu thịt ở Lạc Xuân - images1586073 T7

Chủ trang trại Võ Huy Tuấn bên khu chuồng nuôi nhốt bò siêu thịt ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương

Trước đây, trên 3,2 ha diện tích trồng cỏ sữa của trang trại Võ Huy Tuấn được canh tác các giống cà chua ghép và nhiều loại rau ngắn ngày khác, đến giữa năm 2013 mới lần lượt chuyển đổi sản xuất thức ăn cho bò. Lý do thay thế trồng rau sang trồng cỏ nuôi bò vì phải giảm nhiều lao động trong gia đình của Tuấn để mở rộng kinh doanh một số lĩnh vực ngoài nông nghiệp. Cụ thể, trên cùng 3,2 ha diện tích đất khi chuyển sang trồng cỏ nuôi bò được giảm số lượng lao động khá nhiều lần so với đầu tư thâm canh cây rau các loại, phù hợp với điều kiện thực tế về nguồn vốn, đất đai, nhân công của nông hộ Võ Huy Tuấn.

Năm đầu tiên, Tuấn tuyển chọn từ đàn bò lai sind trong huyện Đơn Dương để mua về trang trại nuôi 50 con trưởng thành (50% con cái và 50% con đực), cân nặng trung bình khoảng hơn 200 kg/con. Sau hơn một năm tích cực lên huyện, lên tỉnh tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi các giống bò cao sản về áp dụng trong trang trại của mình, Tuấn đã vỗ béo đàn bò thịt (con đực) lai sind 25con đạt trọng lượng trung bình từ 400 – 450 kg/con rồi bán ra thị trường, tính sơ bộ khoản lãi thu về mỗi con từ 450.000 – 500.000 đồng/tháng. Số còn lại 25 con bò cái lai sind, tăng trọng mỗi con lên khoảng 350 kg, Tuấn chăm sóc đặc biệt để phối giống lai tạo, sinh sản ra các giống bò siêu thịt thế hệ mới như: Red Angus, BBB và Brahman tại trang trại. Phương pháp nhân đàn bò siêu thịt của Tuấn áp dụng bằng cách tạo ra môi trường phù hợp trong từng khu vực chuồng trại khác nhau để bò đực các giống Red Angus, BBB và Brahman giao phối theo bản năng tự nhiên với đàn bò cái lai sind. Kết quả giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Tuấn đã phát triển và duy trì đàn bò cao sản trong trang trại lên tổng cộng từ 80 – 100 con, chiếm tỷ lệ 50 – 50 số lượng bò thịt và bò cái giống, chưa kể số lượng bò thịt và bò cái giống đã bán ra hàng năm.

Bò siêu thịt tăng trọng gấp ba lần bò lai sind

Hiện tại, trang trại của Võ Huy Tuấn chia thành 3 khu vực chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản và bê con thuộc 3 giống Red Angus, BBB và Brahman lai tạo. Mỗi khu vực chuồng trại được thiết kế xây dựng thoáng mát, có sân tắm nắng mỗi buổi sáng cho bò. Kinh nghiệm 3 năm chăn nuôi bò cao sản, Tuấn đã hoàn chỉnh các khẩu phần ăn đạt hiệu quả dinh dưỡng cao nhất cho từng đàn bò thịt, bò sinh sản và bê con, bao gồm: cỏ tươi, cỏ ủ chua, rơm khô, cám, tấm, nước mật mía… Bên cạnh khối lượng cỏ tươi thu hoạch tại chỗ 3 tấn/ngày như đã nói trên, trang trại phải mua thêm về dự trữ để “đổi bữa” cho đầy đủ chất lượng thức ăn sạch cho đàn bò 100 con như: 500 kg rơm khô/ngày, 1.500 kg cám/tháng… Ngoài ra, những con bò đực trong thời kỳ phối giống và đàn bò cái đang mang bầu hoặc cho bê con bú sữa thì được cho thức ăn với chế độ riêng biệt, trong đó có bổ sung khoáng chất, vitamin, thức ăn tinh…
Theo hạch toán của chủ trang trại Võ Huy Tuấn, nuôi mỗi con bò siêu thịt tăng trọng trung bình 1 kg/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 45% trọng lượng thịt thương phẩm (trong khi bò lai sind chỉ tăng trọng tối đa 0,5 kg/ngày, chiếm tỷ lệ dưới 30% trọng lượng thịt thương phẩm). Nhân với giá thịt bò trên thị trường Lâm Đồng vào tháng 6/2016 trung bình là 200.000 đồng/kg, mỗi con bò thịt cao sản thu về mỗi ngày 90.000 đồng, trừ tất cả mọi chi phí khoảng 50%, còn lại số lãi ròng đạt hơn 45.000 đồng. Tiếp tục nhân lên với tổng đàn bò siêu thịt 100 con thì ra đáp số lợi nhuận bình quân hiện tại của trang trại Võ Huy Tuấn khoảng hơn 160 triệu đồng/tháng
Nói về việc dễ và khó của quy trình chăn nuôi bò siêu thịt trang trại, Tuấn đúc kết: “Nuôi bò siêu thịt trên đất Đơn Dương khá dễ dàng nhờ điều kiện đất đai thuận lợi để trồng trọt, phát triển đồng cỏ sữa; khí hậu quanh năm ôn hòa, thích hợp cho bố trí chuồng trại nuôi nhốt, giảm chi phí công lao động. Tuy nhiên, việc khó nhất là nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn, mỗi con bò giống siêu thịt với giá 20 triệu đồng và mỗi hecta đất trồng cỏ sữa với giá trị gần 3 tỷ đồng. Ở kỹ thuật chăn nuôi bò siêu thịt cần phải thường xuyên tiêu độc, khử trùng, thu gom phân thải, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; tuân thủ đầy đủ lịch tiêm phòng các loại bệnh theo đúng định kỳ triển khai của cơ quan thú y địa phương…”.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Thảo luận cho bài: Mô hình nuôi Bò siêu thịt ở Lạc Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *