Đậu tương (Soybean) hay đậu nành, đậu phộng là loại thực phẩm phổ biến trên thế giới, rất có ích cho sức khỏe con người. Sản lượng đậu tương tăng giảm phụ thuộc nhiều đến kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh, trong số này có 5 loại bệnh thường gặp sau đây:
1. Bệnh nấm
Nấm là căn bệnh thường gặp nhất ở đậu tương, nhất là ở những vùng nóng ẩm. Thường do hai loại nấm phổ biến là nấm Colletrichum truncatum và Glomerella glycines gây ra. Hai loại nấm này thường gây hại cho hạt giống cũng như cây non, nó có thể trú ngụ trong cây đậu tương cho đến khi nở hoa, phát triển mạnh trong môi trường độ ẩm trên 25oC, chân ruộng ướt, nhiều sương, do trồng quá dày, hạt giống đã bị nhiễm bệnh trước khi gieo, hạt giống thối… Nấm gây tổn thương hạt giống, thân cây, làm cho cây bị nhiễm bệnh chết sớm. Triệu chứng thường gặp là thân cây có mầu nâu, hình dạng bất thường, lá bị nhiễm trùng, rụng sớm. Nói chung khi bị nhiễm nấm cây đậu tương thường bị còi cọc kém phát triển và làm sản lượng bị giảm mạnh.
– Cách khắc phục: Xử lý hạt giống bằng thuốc diệt trừ nấm. Khi cây đã phát triển dùng thuốc diệt nấm lá, nhất là khi đậu ra hoa. Các loại thuốc sử dụng có tác dụng tốt như Anthracnose benomyl, chlorothalonil và thiophanalte-methy. Nên gieo trồng đậu tương đúng quy trình khuyến cáo, không nên gieo quá dày để hạn chế việc nghiêng đổ, gây bệnh.
2. Bệnh thối thân
Thối thân (Brown Stem Rot) là căn bệnh thường gặp ở những chân ruộng có thời gian luân vụ giữa đậu nành và ngô quá ngắn, gây nên bởi nấm phialophoria. Đây là loại nấm sản xuất ra tới 3 độc tố có tên là gregation A, C và D. Loại nấm này có sức đề kháng tốt có thể tồn tại qua mùa đông giá lạnh và làm cho thân rễ đậu tương bị thối, nhất là khi nhiệt độ môi trường trên 27oC trở lên. Khi nhiễm bệnh thân rễ thường chuyển sang màu nâu và tình trạng trên còn tùy thuộc vào điều kiện xung quanh, nhất là điều kiện nhiệt độ và sức khỏe của đậu tương. Đầu tiên, xuất hiện các nốt nhỏ, sau đó dày hơn và lan rộng trên thân cây và vùng gốc bắt đầu biến màu nâu đen, lá vàng rụng và ở thể nặng có thể làm cho đậu tương bị chết.
– Cách phòng ngừa: Nên áp dụng chế độ luân phiên từ trồng ngô sang đậu tương trong khoảng thời gian 3 năm, sử dụng thuốc chống nấm cho hạt giống và cây trồng, nhất là vùng ẩm ướt, nhiệt độ cao.
3. Hội chứng SDS
Hội chứng SDS (Sudden Death Syndrome – tạm dịch hội chứng đột tử ở đậu tương), là căn bệnh rất mới. Tại Mỹ, căn bệnh này xuất hiện từ năm 1971 và đến những năm 80 thế kỉ trước làm giảm 50% sản lượng đậu tương của Mỹ, ngoài ra ở Argentina và Brazil người ta cũng phát hiện ra căn bệnh nói trên. Thủ phạm do các dòng nấm có tên là Fusarium Solani gây ra, thường gặp ở giống đậu Lima, đậu mung và đậu Cowpea. Xuất hiện ở đậu khi cây phát triển được 2-3 tuần tuổi, nhất là những chân ruộng ẩm ướt, nhiệt độ cao. Ban đầu phát triển mạnh ở phần rễ và gây phá hủy phần rễ ngầm và sau đó lan lên gốc. Nhóm đậu tương mắc bệnh stress cao thường có tỉ lệ mắc SDS cao hơn những loại đậu tương khỏe mạnh. Ngoài ra còn gặp nhóm đậu gieo trồng sớm.
– Cách khắc phục: Nên chọn giống khỏe có khả năng kháng được với sâu bệnh, đặc biệt là các loại nấm có hại. Nên chọn thời điểm nhiệt độ và độ ẩm của đất đạt mức tối ưu rồi mới gieo trồng để hạn chế sâu bệnh. Duy trì hệ thống cấp thoát nước thích hợp, quản lý stress cây trồng bằng cách tăng cường độ tơi xốp cho đất, kiểm soát các mầm bệnh gây hại đậu tương, đặc biệt bệnh nang đậu tương (cyst nematudes).
4. Bệnh tàn lụi vi khuẩn
Bệnh tàn lụi (Bacterial Blight) gây nên bởi khuẩn Pseudomanas PV syringae, thường xuất hiện khi thời tiết mát, ẩm ướt, mưa phùn ở cả hạt giống lẫn cây con. Ban đầu khuẩn xuất hiện trong không khí, trong đất sau đó thâm nhập vào lá và vào các mô của thân. Bề mặt có chứa nước của lá là nơi thuận lợi tiếp nhận khuẩn nhất. Nếu nhiễm độc ở hạt giống thì khuẩn sẽ thâm nhập vào hạt, khi cây phát triển chúng tạo ra chất độc ức chế quá trình phát triển chlorophyll của đậu, sau đó chuyển sang giai đoạn nhiễm thứ cấp. Cây lây nhiễm khuẩn thường còi cọc, chậm lớn và có thể chết nếu thể nặng, lá xuất hiện các đốm nhỏ, sau chuyển sang màu vàng đen và làm cho lá rụng, cuống và thân cây bị tổn thương dẫn đến tình trạng cây chết hoặc giảm năng suất của đậu tương.
– Cách khắc phục: Trước tiên là chọn giống, bảo quản giống tốt, tăng vụ một cách hợp lý, không nên gieo trồng ở những nơi có nguy cơ mắc bệnh cao. Áp dụng kỹ thuật chống nấm cho lá như dùng các chất chống nấm gốc đồng, có tác dụng tốt đối với bệnh tàn lụi ở đậu tương.
5. Bệnh đốm lá do nấm Secrostora
Đây là căn bệnh gây hại cho tất cả các bộ phận trên mặt đất của đậu tương. Ngoài gây bệnh đốm lá, nấm Secrostora còn gây ra nhiều căn bệnh khác như bệnh thối thân, bệnh trắng thân và gặp nhiều ở các loại hoa màu khác như bắp cải, súp lơ, cà chua và nhất là khi cây đã vào giai đoạn hình thành nụ cho đến khi thu hoạch. Nếu khống chế được căn bệnh này thì năng suất đậu tương có thể tăng 50-60%.
– Cách khắc phục: Khoảng cách các luống đậu, giữa các cây phải thích hợp. Khi ra hoa không nên tưới dội từ trên xuống, không nên bón quá nhiều phân để hạn chế tình trạng thừa đạm phát triển quá nhanh. Có thể trồng xen vụ với ngô, lúa mì, kê… Nên dùng một số loại thuốc có tác dụng diệt nấm như Dupronin, pamistin, Alvin… Thời gian phun thuốc phòng bệnh từ 20-40 ngày sau khi gieo hạt.
Nguồn: nongnghiep.vn