Tưa lưỡi là những màng giả màu trắng ngọc trai ở niêm mạc miệng, đặc biệt là mặt trên lưỡi của trẻ nhỏ. Những màng này bám khá chặt vào niêm mạc, gây vướng víu và đau làm cho trẻ khó nuốt và khó chịu. Nguyên nhân chính là do một loại vi nấm thường là Candida albicans gây ra.
Để phòng và điều trị tưa lưỡi cho trẻ, hàng ngày sáng và tối nên dùng miếng gạc nhỏ sạch hoặc khăn bông nhỏ mềm sạch thấm nước muối sinh lý để vệ sinh miệng cho bé thật nhẹ nhàng, không cố gắng chà xát để cạo đi những đốm trắng có thể gây tổn thương niêm mạc lưỡi bé. Vệ sinh núm vú và luộc thật kỹ bình đựng sữa trước và sau khi bé bú. Ngoài ra, có thể dùng một số bài thuốc dân gian chữa tưa lưỡi như sau:
Bài 1: Lá rau ngót tươi 5 – 10g. Cách dùng: Lá rau ngót tươi, rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước. Dùng bông hoặc vải mềm sạch thấm vào nước thuốc cọ sát lên lưỡi, lợi và vòm miệng trẻ. Chú ý động tác phải nhẹ nhàng và khéo léo. Một ngày làm như vậy 2 – 3 lần. Thường chỉ 2 ngày sau là trẻ bú được.
Bài 2: Mật ong 1ml, nước lá nhọ nồi (cỏ mực) 10ml. Cách dùng: Lá nhọ nồi tươi hái về rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước. Lấy 10ml nước lá nhọ nồi trộn lẫn với 1ml mật ong. Dùng bông hoặc vải mềm sạch thấm vào nước thuốc, bôi vào lưỡi lợi và vòm miệng cho trẻ. Mỗi ngày bôi 2 – 3 lần.
Bài 3: Lá rau ngót 15g, hàn the 1g. Cách dùng: Rửa sạch lá rau ngót, giã nát, vắt lấy nước, hòa hàn the vào, đem hấp cơm. Khi cơm chín, lấy thuốc ra dùng bông sạch, thấm bôi vào chỗ có đóng váng trắng. Mỗi ngày làm 2 lần.
Bài 4: Phơi lá mít vàng cho thật khô rồi đốt cháy cho thành than. Trộn với một ít mật ong rồi bôi vào chỗ tưa lưỡi 2 – 3 lần/ngày.
Bài 5: Cỏ mực (toàn cây tươi trừ rễ) 8g, lá hẹ tươi 4g. Giã vắt lấy nước cốt hoà với mật ong chấm lên chỗ đau, 2 – 3 lần một ngày, mỗi lần cách nhau 2 giờ.
Chú ý: Nên dùng mật ong loại tốt đã được kiểm định chất lượng. Nếu dùng các bài thuốc trên sau 2 – 3 ngày trẻ vẫn khó chịu, khó bú và quấy khóc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Bác sĩ Thu Vân