Site icon Nuoitrong123

Bài thuốc từ hoa Lựu

Thạch Lựu hoa vị chua sáp, tính bình, có công năng chủ trị các chứng bệnh như tỵ huyết.

Bài thuốc từ hoa Lựu - bai thuoc tu hoa luu

Lựu (Punica granatum L.), còn gọi là tháp lựu, thạch lựu, an thạch lựu, đan nhược, kim bàng, kim tượng, tạ lựu…, là một loại cây nhỏ, thuộc mộc, cao chừng 2-3m, thân xám, có vỏ mỏng, cành mảnh, lá đơn mọc đối, hình thuôn dài, gân 5,6 đôi hình cung, mép nguyên cuống ngắn.

Hoa lựu màu đỏ tươi hoặc màu trắng (bạch lựu) mọc riêng lẻ hoặc từng xim 3 hoa ở kẽ lá, thường nở vào mùa hạ.

Quả mọng, to bằng nắm tay, hình cầu, mang đài còn lại ở phía đỉnh, vỏ dày, ngoài da màu lục, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành hai tầng, tầng trên có 5 ngăn, tầng dưới có 3 ngăn, phân cách nhau bởi một màng mỏng. Hạt rất nhiều, hình 5 cạnh, sắc hồng trắng.

Thành phần hóa học và công dụng

Cây lựu được trồng khắp nơi để làm cảnh và lấy quả ăn. Vỏ thân, vỏ rễ và đặc biệt là vỏ quả còn được dùng làm thuốc với công dụng sáp tràng (làm săn se niêm mạc), chỉ tả (cầm tiêu chảy), chỉ huyết (cầm máu), khu trùng (trừ giun sán), chuyên dùng để chữa các chứng bệnh như cửu tả cửu lỵ (lỏng lỵ mạn tính), tiện huyết, hoạt tinh, thoát giang (lòi dom), băng lậu, đới hạ (khí hư), trùng tích phúc thống (đau bụng do giun sán)…

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, vỏ quả lựu có chứa tanin 10,4%, wax, resin 4,5%, D-mannitol, mucilage, gallic acid, malic acid, pectin, calcium oxalate, gum, inulin, elaidic acid, isoquercetrin, cyanidin-3 – glucoside, cyanidin-3,5 – diglucoside, pelargonidin-3,5 – diglucoside…, có tác dụng băng se và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, kháng khuẩn, kháng virus và tẩy giun sán.

Hoa lựu có vẻ đẹp rực rỡ và quý phái. Cổ nhân có câu: “Ngũ nguyệt lựu hoa chiếu nhãn minh”, đại thi hào Nguyễn Du cũng đã viết một câu thơ nổi tiếng về hoa lựu: “Dưới trăng quyên đã gọi hè, đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”. Tuy nhiên, ít người biết rằng, trong y học cổ truyền hoa lựu còn là một vị thuốc độc đáo.

Theo các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Thánh tễ tổng lục, đắc phối bản thảo, Phân loại thảo dược tính…, thạch lựu hoa vị chua sáp, tính bình, có công năng chủ trị các chứng bệnh như tỵ huyết (chảy máu cam), thổ huyết (nôn ra máu), xuất huyết do trật đả, kinh nguyệt không đều, lỵ tật, bạch đới (khí hư), viêm tai giữa, đau răng…

Một số cách dùng cụ thể

– Phế ung (áp-xe phổi): Hoa lựu trắng 7 đóa, hạ khô thảo 9g, sắc uống. Hoặc hoa lựu 6g, ngưu tất 6g nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 15g, bách bộ 9g, bạch cập 30g, đường phèn 30g sắc uống.

– Phế kết hạch (lao phổi): Hoa lựu trắng 30g, hạ khô thảo 30g sắc uống.

– Ho và nôn ra máu: Hoa lựu trắng tươi 24 đóa, đường phèn 15g sắc uống.

– Viêm tiền liệt tuyến: Hoa lựu trắng tươi 30g, nấu canh với thịt lợn ăn hàng ngày.

– Lỵ cấp và mạn tính: Hoa lựu trắng 18g, sắc kỹ chia uống 3 lần trong ngày.

– Trĩ xuất huyết: Hoa lựu trắng 7 đóa, đường phèn 9g sắc uống.

– Thoát giang (lòi dom): Hoa hoặc vỏ quả lựu lượng vừa đủ, phèn chua một chút, sắc kỹ rồi cho thêm một ít bột ngũ bội tử sao, ngâm hậu môn hàng ngày.

– Khí hư: Hoa lựu 3-5 đóa, sắc với chút rượu uống. Hoặc hoa lựu 30g sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi ngâm rửa âm đạo.

– Băng lậu: Hoa lựu 9g, trắc bá diệp 9g, sắc uống. Hoặc hoa lựu 3-5 sắc với rượu uống.

– Viêm tai giữa: Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô, cho thêm chút băng phiến rồi tán thành bột mịn, mỗi lần lấy một ít thổi vào tai bị bệnh. Hoặc hoa lựu 50g đem ngâm với 250ml rượu trắng, sau 10 ngày thì dùng được, lọc kỹ qua gạc vô trùng rồi cho thêm 4g băng phiến. Khi dùng, cần vệ sinh cho tai sạch mủ rồi dùng dịch thuốc nhỏ vào tai, mỗi ngày nhỏ 3 – 4 lần, mỗi lần 1-2 giọt.

– Chảy máu mũi: Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rồi lấy một chút thổi vào lỗ mũi. Hoặc hoa lựu 6g sắc uống. Hoặc hoa lựu tươi, rửa sạch giã nát rồi nhét vào lỗ mũi.

– Ðau răng: Hoa lựu lượng vừa đủ sắc uống thay trà hàng ngày.

– Viêm loét miệng: Hoa lựu đốt tồn tính, tán bột rồi bôi vào chỗ loét, mỗi ngày 2 lần. Có thể cho thêm một chút thanh đại thì càng tốt.

– Bỏng: Hoa hoặc vỏ quả lựu lượng vừa đủ, sấy khô tán bột rồi trộn với dầu vừng bôi lên tổn thương.

– Vết thương xuất huyết: Hoa lựu khô tán vụn rồi rắc lên vết thương. Hoặc hoa lựu 1 phần, thạch khôi 2 phần, hai thứ sấy khô, tán thành bột mịn, rắc vào tổn thương.

Hoa lựu nên thu hái khi mới nở, dùng tươi hoặc đem phơi trong bóng râm cho khô rồi cất giữ nơi khô ráo để dùng dần. Cũng như vỏ quả và vỏ rễ, hoa lựu không nên dùng cho người bị táo bón.

Nguồn: Sưu tầm

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version