Trong y học cổ truyền, ho thuộc phạm vi chứng khái thấu và để giải quyết chứng bệnh này người ta thường dùng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có một cách thức rất độc đáo là sử dụng các loại hoa để làm thuốc giảm ho, được gọi là Chỉ khái hoa liệu pháp. Dưới đây là các bài thuốc giúp bạn đọc hiểu biết thêm về vấn đề này
Bài 1: Tuyền phúc hoa 5g, khoản đông hoa 10g, hạnh nhân 10g, đường đỏ 30g. Các vị thuốc đem sắc kỹ, lấy nước bỏ bã, chế thêm đường đỏ, chia uống nhiều lần thay trà trong ngày. Công dụng: sơ phong tán hàn, tuyên thông phế khí, chỉ khái, được dùng để chữa ho do cảm mạo phong hàn (ho do lạnh), tiếng ho nặng, khạc đờm trắng loãng, sợ lạnh…
Bài 3: Dã cúc hoa 30g, bạch mao căn 30g, đường trắng 30g. Đem dã cúc hoa và bạch mao căn hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, pha với đường trắng uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu thũng, chỉ khái, dùng để chữa ho do phong nhiệt.
Bài 4: Hoa quế khô 3g, vỏ quýt 10g. Hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: táo thấp hóa đàm, lý khí tán ứ, chỉ khái, dùng để chữa ho do đàm thấp, ho và khạc đờm nhiều, đờm sắc trắng hoặc trắng xám.
Bài 5: Kim ngân hoa 30g sắc với 500ml nước trong 15 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, hòa thêm 50g mật ong, chia uống nhiều lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, nhuận phế chỉ khái, chữa ho do phế táo.
Bài 6: Hoa bách hợp 30g, mật ong 50g. Hai thứ trộn đều rồi đem hấp cách thủy, chia ăn 2 lần trong ngày, 7 ngày là một liệu trình. Công dụng: thanh nhiệt nhuận phế, hoá đàm chỉ khái, dùng để chữa chứng ho có khạc nhiều đờm.
Bài 7: Hoa phượng tiên 30g, trứng gà 3 quả. Đem hai thứ luộc chín, lấy trứng ra bóc bỏ vỏ rồi lại cho vào nồi đun tiếp chừng 20 phút, khi được, ăn trứng và uống nước luộc. Công dụng: tư âm nhuận táo, khứ phong chỉ khái, dùng để chữa ho và khái huyết.
Bài 8: Hoa mai khô 5g đem hãm với nước sôi, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày dùng 2 lần. Công dụng: thanh nhiệt tán uất, thuận khí chỉ khái, dùng để chữa ho do đàm nhiệt.
Bài 9: Hoa mai khô 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, mật ong lượng vừa đủ. Đem gạo nấu thành cháo rồi cho hoa mai và khoản đông hoa đã tán thành bột vào đun thêm 5 phút nữa, tiếp đó hoà thêm mật ong, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt nhuận phế, giáng khí hoá đàm, chỉ khái, dùng để chữa ho do phong nhiệt và đàm nhiệt.
Bài 10: Hoa sơn trà 30g sấy khô, tán bột hòa đều với 250g mật ong, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa với nước ấm. Công dụng: nhuận phế hạ khí, trấn khái hóa đàm, dùng để chữa ho và khái huyết.
Bài 12: Hoa cúc bách nhật (thiên nhật hồng hoa) 100 – 150g, sấy khô tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 6g với nước đun sôi để nguội. Công dụng: chỉ khái định suyễn, dùng để chữa ho có kèm theo khó thở do co thắt phế quản.
Bài 13: Khoản đông hoa 15g, cúc bách nhật 15g, mật ong 250g. Hai thứ hoa đem sấy khô tán bột rồi hòa với mật ong, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa với nước ấm. Công dụng: nhuận phế hạ khí, chỉ khái định suyễn, dùng để chữa ho có kém theo khó thở.
Bài 14: Hoa kim tước 500g, mật ong 500g. Hoa kim tước rửa sạch, đem sắc 3 lần, mỗi lần trong 30 phút rồi trộn cả 3 nước sắc lại, đổ mật ong vào cô lại bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, để nguội rồi đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa với nước ấm. Công dụng: tư âm nhuận phế, chỉ khái, dùng để chữa ho do phế hư.
Bài 17: Hoa dành dành (chi tử hoa) 30g, trứng gà 3 quả. Hai thứ đem luộc, khi chín lấy trứng gà ra bóc bỏ vỏ rồi lại cho vào đun tiếp trong 30 phút, ăn trứng và uống nước luộc. Công dụng: tư âm thanh phế, chỉ khái, chữa ho do phế nhiệt.
Nguồn: Sưu tầm.