Trước khi chiết hoặc ghép nên bón thêm phân kali thì dễ bóc vỏ, cây nhanh ra rễ, dễ tiếp hợp, tỷ lệ cây sống sẽ cao.
Cũng như nhiều loài cây ăn quả khác, ổi cũng có thể nhân giống bằng 2 phương pháp: hữu tính (gieo từ hạt) và vô tính (giâm hom, giâm cành, chiết cành, ghép cây). Với những giống cây không hạt (do chọn tạo, gây đột biến nhân tạo cho không hình thành hạt để nâng cao chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng) người ta nhân giống bằng phương pháp vô tính. Đáp ứng yêu cầu của bạn, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Mạnh Tuyển, chủ trang trại giống cây trồng Mạnh Tuyển (địa chỉ: Cầu Khơ Me – Bến Tắm – Chí Linh – Hải Dương), một người có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc nhân giống ổi không hạt để được tư vấn. Xin mách nước lại cho bạn và bà con các nơi cùng làm.
1. Chiết cành
– Chọn cành để chiết: Trên các cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, sinh trưởng, phát triển tốt, đang ở độ tuổi cho năng suất cao, ổn định, chất lượng trái tốt (từ 3 đến 8 năm tuổi) để chiết cành. Chọn những cành bánh tẻ có đường kính khoảng 1-1,5cm, dài khoảng 35-40cm ở phía ngoài tán; tốt nhất là phần giữa tán để chiết cành. Không nên chọn các cành la sát mặt đất hoặc các cành trên ngọn; không chọn các cành vượt phía trong tán sẽ chậm và kém ra hoa.
– Chuẩn bị vật liệu bó bầu: Có thể dùng cám xơ dừa (đã được xử lý ta nanh) hoặc mùn rơm rạ, bèo tây trộn lẫn với đất mặt vườn, phân chuồng ủ hoai mục theo tỷ lệ 1:1:1 rồi tưới nước vừa đủ ẩm để bó bầu (muốn biết vật liệu đã đủ ẩm chưa, ta nắm chặt một nắm vật liệu trong tay thấy nước rịn ra qua kẽ ngón tay là vừa; nếu thả tay vật liệu rã ra là quá khô, cần thêm nước hoặc vật liệu bết lại là quá ẩm cần thêm đất bột).
– Dùng dao sắc khoanh 2 vòng cách nhau khoảng 2cm, bóc bỏ phần vỏ nằm giữa 2 vết cắt này. Dùng vải sạch lau kỹ phần lõi gỗ vừa bóc vỏ, để 1-2 ngày cho hẳn nhựa thì tiến hành bó bầu.
– Đắp một nắm vật liệu bó bầu cỡ bằng quả trứng gà xung quanh chỗ vừa bóc vỏ rồi dùng một mảnh nilon màu trắng bọc kín bên ngoài, buộc chặt hai đầu bằng dây mềm để tránh vật liệu bốc hơi nước và bảo vệ bầu. Muốn cho nhanh ra rễ có thể trộn thêm dung dịch thuốc kích thích ra rễ (hiện có bán tại các cửa hàng thuốc BVTV hoặc bán các giống cây ăn trái, hoa, cây cảnh) vào vật liệu bó bầu hoặc bôi trực tiếp lên vết cắt trước khi bó bầu.
– Khi thấy rễ đã nhú trắng trên mặt bầu, lá chuyển màu vàng là có thể cắt cành đem giâm thêm một thời gian nữa cho ra rễ và cành lá ổn định thì đem trồng. Trước khi trồng, nên cắt tỉa bớt cành lá để giảm bớt sự thoát hơi nước, cây sẽ nhanh bén rễ, hồi xanh, tỷ lệ sống mới cao.
2. Ghép cây
– Chuẩn bị gốc ghép: Dùng các giống ổi địa phương gieo hạt cho mọc cao khoảng 70-80cm, đường kính khoảng 1-1,5cm để làm gốc ghép.
– Chuẩn bị cành ghép: Trên cây mẹ, chọn những đoạn cành bánh tẻ, đường kính khoảng 0,88-1cm để cắt thành các đoạn cành ghép dài 4-5cm, có 1-2 mầm mắt hữu hiệu.
– Cách ghép: Dùng kéo cắt ngang thân gốc ghép cách mặt đất 15-20cm rồi dùng dao sắc chẻ 1/3 gốc ghép từ trên xuống, sâu khoảng 2cm. Cành ghép được cắt vát hình nêm rồi cắm vào phần gốc ghép sao cho 2 phần gỗ gốc ghép và cành ghép chồng khít lên nhau. Dùng dây nilon trắng (loại tự phân hủy của Trung Quốc) quấn chặt từ dưới lên trên bao hết toàn bộ cành ghép để tránh nhiễm khuẩn và mất hơi nước. Khi thấy mầm trên cành ghép đã nẩy, vết ghép đã liền sẹo, tháo bỏ dây nilon cho chồi nhanh phát triển.
– Chăm sóc: Thường xuyên tưới đủ ẩm, khi cành lá đã ổn định bón thúc thêm phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho đến khi cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn thì đem trồng ra vườn sản xuất.
– Chú ý: Thời vụ cho chiết, ghép và trồng cây tốt nhất là vụ xuân (tháng 3-4) và vụ thu (tháng 8-10). Trước khi chiết hoặc ghép nên bón thêm phân kali thì dễ bóc vỏ, cây nhanh ra rễ, dễ tiếp hợp, tỷ lệ cây sống sẽ cao.
Nguồn: sưu tầm