Cách nuôi cá lóc phổ biến hiện nay rất đa dạng, ngoài việc nuôi trong ao, hồ, bàu, đìa, người ta còn nuôi bằng bè. Đó là chưa nói đến việc nuôi trong đăng, nuôi bằng chà.
Cách nuôi cá lóc trong ao, hồ, bàu, đìa là việc nông dân mình đã áp dụng từ lâu. Hình thức nuôi này ngày nay nhiều nơi vẫn còn áp dụng, và vẫn đem lại kết quả tốt.
Ngay các nước chuyên về nông nghiệp như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines … họ cũng nuôi cá lóc như cách của ta. Ngoài việc đào thêm những ao hồ mới, họ cũng tận dụng những khẩu đìa, bàu rộng lớn, có sẵn trong tự nhiên có sức chứa một vài ngàn thước khối nước để nuôi cá lóc.
Ao hồ nuôi cá lóc đòi hỏi mực nước phải sâu, từ một đến vài thước mới thích hợp với sự sinh trưởng của cá lóc.
Trong ao, hồ nếu không có rong cỏ thì phải thả bèo tây, lục bình, hay rau muống, sao cho chiếm khoảng từ 10 đến 20 phần trăm diện tích mặt nước mới tốt. Cá lóc thích ẩn mình dưới những bè rau cỏ này để tránh nóng và cũng tiện rình mồi theo thói quen của chúng.
Chung quanh ao nuôi dứt khoát phải có bở bao đủ cao để phòng hờ cá lóc phóng ra ngoài. Thực tế cho thấy bờ bao chỉ cao hơn mặt nước ao đìa khoảng ba bốn mươi phân, thậm chí năm sáu mươi phân cũng chỉ ngăn chặn được lũ lụt bên ngoài tràn vào chứ không thể ngăn cản cá lóc thoát ra ngoài được.
Vì như bà con cũng biết tầm phóng cao của cá lóc có thể từ 1m đến 1,5m và vượt xa đến vài mét. Vì vậy, quanh bờ bao đắp bằng đất, tốt nhất nên dùng tre nứa hoặc lưới kẽm làm thêm rào chắn cao hơn một mét nữa mới an tâm!
Việc nuôi cá lóc trong đăng cũng có nhiều nơi áp dụng. Họ dùng đăng giăng quanh một khu vực gần bờ sông, diện tích rộng hẹp ra sao là tuỳ vào nhu cầu của người nuôi. Trong đăng họ thả cá rồng rồng vào nuôi, khoảng một năm sau sau có thể dỡ đăng bắt cá ra bán thịt.
Nuôi cá lóc bằng bè
Nghề nuôi cá lóc bằng bè rất phát đạt trong ba, bốn thập niên nay tại các tỉnh Châu Đốc, An Giang và nhiều tỉnh khác thuộc Hậu Giang.
Cá lóc nuôi bè thường là cá lóc bông. Vì rằng giống cá lóc này thích nghi được với nhiều loại môi trường nước không thuận lợi như nhiễm phèn (pH = 5), nước nhiễm mặn, oxy thấp. Chính vì vậy, nên chỉ có các sông ngòi kênh rạch thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long mới xứng là “vương quốc” của loài lóc bông này.
Nuôi cá lồng rất dễ, nhiều phần tiện lợi, nhưng trước hết đòi hỏi người nuôi phải hội đủ hai điều kiện là phải đóng bè và nhất là có sẵn nơi đặt bè thích hợp.
Cách đóng bè cá
Bè nuôi cá vì đặt ở dưới nước nên chóng hư hỏng. Vì vậy, trước khi đóng bè nuôi cá lóc, ta nên tự xác định rõ là cần nuôi số lượng cá nhiều hay ít để đóng bè có kích cỡ lớn bé ra sao cho phù hợp. Nhưng, điều này cũng phải còn tuỳ ở bãi sông rạch đặt bè nuôi cá rộng hẹp ra sao. Điều cần xác định tiếp theo là chỉ nuôi tạm một năm, hoặc nuôi hai năm, hay nuôi về lâu về dài, từ đó mới sử dụng vật liệu đóng bè cho phù hợp.
Nếu chỉ nuôi tạm một vài năm thì dùng vật liệu bằng tre nứa, cây rừng, ván tạp. Còn nếu nuôi lâu dài, lại dùng bè có kích thước lớn tất phải dùng vật liệu đắt tiền như gỗ sao chẳng hạn.
+ Kích thước bè: Bè nuôi cá lóc dù nhỏ cũng phải có diện tích 1m x 2m, hoặc 1,5m x 2m nhưng bè phải có chiều cao từ 1,5m đến 2m. Còn bè lớn thường có kích thước 5m x 10m, hoặc 5m x 12m, chiều cao phải từ 2m đến 3m. Bè nuôi cá thường đóng theo khối hình chữ nhất.
+ Vật liệu đóng bè: Với bè có thể tích nhỏ, và dùng tạm trong một hai năm, ta có thể dùng tre nứa cho rẻ tiền. Tre nứa “chịu” nước nhưng thường sử dụng khoảng hơn một năm cũng hư mục, vì vậy, nếu sử dụng tiếp phải kịp thời sửa chữa những chỗ hư hỏng. Còn đóng bè có kích thước lớn từ một vài trăm mét khối thì phải dùng gỗ tốt, chịu nước bề bỉ như gỗ sao, dên dên, tuy đắt tiền nhưng sử dụng được lâu dài ít ra cũng được năm bảy năm.
+ Cách đóng bè: Lồng bè cũng giống như một cái chuồng, thường chỉ khối hình chữ nhật, có 6 mặt gần như được đóng kín (chỉ chừa những kẽ hở hẹp để nước ra vô thong thả), riêng mặt trên có chừa một ô cửa nhỏ để tiện việc cho cá ăn, chăm sóc cá và sau này thu hoạch được dễ dàng. Tuy vậy, ô cửa này cũng phải có nắp đậy kỹ.
Với loại bè nhỏ đóng với vật liệu thô sơ thì khung bè nếu làm gỗ tròn thì đường kính thân gỗ phải được 10cm mới đủ chắc. Còn nếu dùng cây có cỡ 4cm x 5cm, hay 5cm x 5cm mới đủ chắc. Chung quanh vách bè nếu đóng bằng tre thì nên dùng loại tre già, chẻ ra thành nẹp có chiều rộng khoảng 4cm. Tre chẻ xong, vót cho nhẵn cạnh và phải phơi thật khô trước khi đóng vách. Nếu là nẹp gỗ, nên dùng nẹp cỡ 2cm x 6cm (chiều dày 2cm, rộng 6cm).
Khoảng cách giữa hai hai nẹp độ 1cm là vừa. Nhưng, việc khoảng cách rộng hẹp giữa hai nẹp vách không phải chỉ lo ngại cá bên trong đào thoát ra ngoài, mà còn tuỳ thuộc vào lưu tốc của nước nơi đặt bè nữa.
Nếu lưu tốc nước chảy nhẹ thì khoảng cách giữa hai nan vách lồng nên đóng cách nhau 1cm là vừa. Ngược lại, lưu tốc nước chảy mạnh hơn thì khoảng cách giữa hai nan cần thu hẹp lại hơn nữa.
Vì rằng nếu gặp lưu tốc nước chảy mạnh mà khoảng cách giữa hai nan lồng quá thưa, do sức ép của nước làm cho cá nuôi phải phí sức lội nhiều. Ngược lại, dù nước chảy mạnh mà khoảng cách giữa hai nan lồng hẹp thì sức ép của nước bị giảm, cá sẽ sống sởn sơ mau lớn.
Với loại bè có kích thước lớn, sử dụng lâu năm thì khung bè phải dùng loại gỗ tốt như dên dên, gỗ sao … gỗ đóng khung phải to như cái cột nhà 10cm x 20cm hoặc 15cm x 20cm mới chắc.
Vách bè cũng phải dùng nẹp gỗ quý đó, và nẹp cũng nên có kích cỡ 3cm x 8cm, hoặc 3cm x 10cm.
Gỗ đóng khung và nẹp đóng vách trước đó cũng phải bào nhẵn và phơi thật khô, như vậy vừa tạo thêm độ bền và giúp cá khỏi bị trầy xước khi va chạm.
+ Nhà cất trên bè: Những bè cá có kích thước nhỏ không cần thiết và cũng không thể làm nhà ở bên trên. Nhưng, với bè cá lớn, làm nhà nhỏ ở bên trên là cần thiết. Nơi đây không nhất thiết dành cho cả gia đình chủ bè trú ngụ, mà là chỗ trú cho vài ba nhân công có nhiệm vụ canh giữ, chăm sóc, cho cá ăn … nơi đây cũng là nơi chứa thức ăn nuôi cá.
Nhà cất trên bè nên làm vật liệu nhẹ, mái lợp tôn và vách chỉ đóng sơ sài, không cần thiết phải làm đủ tiện nghi.
+ Phao bè: Bè cá dù lớn dù nhỏ mà không có phai thì dễ chìm. Công dụng của giàn phao là giúp bè nổi được lưng chừng trong nước, vì vậy vị trí các phao là cặp dọc hai bên hoặc chung quanh thành bè.
Với bè nhỏ có thể dùng phao bằng những cây tre bương già, đây là loại tre có thân to và giao lóng kết lại thành từng bó sau khi phơi thật khô.
Còn bè cá có kích thước lớn, nặng hàng tấtn thì chỉ có thùng phi sắt (loại thùng để chứa xăng dầu), nhưng nay đã có thùng nhựa, vừa nhẹ, vừa bên mà giá cả cũng không quá đắt.
Một bè nuôi cá lóc có thể tích vài trăm mét khối cần sử dụng khoảng 50 thùng phi mới đủ.
Nguồn: sưu tầm