Ở một số nơi trong tỉnh, có nhiều diện tích rau cải dưa đang bị sâu tơ và bọ nhảy sọc cong cùng lúc gây hại mạnh.
Các loài sâu này kháng thuốc rất khó phòng trị. Dưới đây là một số phương pháp phòng trị hiệu quả:
+ Phòng sâu hại:
Bố trí thời vụ trồng cải sớm, không nên trồng muộn để hạn chế sâu tơ gây hại.
– Nên trồng xen rau, bắp cải với cà chua theo tỷ lệ cứ 2 luống rau, bắp cải thì xen 1 luống cà chua để trừ sâu tơ. Thực tế cho thấy trồng xen canh cà chua và rau, bắp cải thì mật độ sâu tơ chỉ bằng 1 nửa so với trồng thuần.
– Trồng cây bẫy để thu hút sâu tơ: Có thể dùng cây cải mù tạt làm cây bẫy. Khi sâu tơ tập trung trên cải mù tạt thì tiêu diệt bằng cách phun thuốc hoặc nhổ bỏ và tiêu hủy cây này.
– Nên trồng xen hành hoa vào mé luống rau cải cũng sẽ hạn chế được lượng bọ nhảy gây hại rau.
– Tưới nước hợp lý: Nên tưới theo kiểu phun mưa vào khoảng thời điểm chiều tối để cản trở trưởng thành sâu tơ giao phối và đẻ trứng.
– Giảm độ ẩm trên các luống rau cũng sẽ hạn chế được sự phát sinh và gây hại của bọ nhảy sọc cong.
– Bón phân cân đối giữa đạm và kali, bổ sung các dinh dưỡng trung vi lượng để rau cải phát triển thuận lợi.
– Luân canh rau cải với các cây trồng khác họ (dưa, bầu, bí, ớt, hành hoa…) để cắt đứt vòng chu chuyển của bọ nhảy và làm cho hệ sinh thái đồng ruộng được đa dạng hóa.
+ Trừ bọ nhảy và sâu tơ hiệu quả:
Dùng bẫy pheromone diệt sâu tơ trưởng thành.
– Lựa chọn các loại thuốc để diệt được cả hai loài sâu cùng lúc mà không phải cộng gộp nhiều loại như Homata, Newfatoc, Polytrin, Match, Success… Cần lưu ý về thời gian cách ly của mỗi loại thuốc để khi thu hoạch rau được an toàn.
– Đi theo đường vòng xuyến khi phun để dồn bọ nhảy vào giữa ruộng, phun đẫm cả xuống đất để diệt sâu non, dùng bình phun có tia thuốc nhỏ, mịn (phun sương) và hướng vòi phun ngửa từ mặt dưới lá lên trên để diệt sâu tơ. Nên chọn thời điểm trời về tối (bọ nhảy không bay nhảy) để phun sẽ tốt hơn những thời điểm khác. Khi thu rau cần để lại một đám giữa ruộng để bọ nhảy tập trung rồi phun thuốc…
– Luân chuyển thuốc giữa các lần phun để không tăng thêm tính kháng thuốc cho sâu.
– Chỉ sử dụng thuốc hóa học có liều độc cao (vạch màu vàng dưới đáy nhãn) khi mật độ sâu ở mức cao. Mật độ sâu ít hoặc sắp đến lúc thu hoạch nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học có nguồn gốc BT như Dipel, Aztron, Biocin…
Thanh Tâm (T/h)