Đến ấp Phước Trinh, xã Tam Phước (huyện Long Điền) nghe nhiều người nhắc đến ông Nguyễn Văn Cận với sáng kiến chuyển đổi cây lá giang, một loại cây hoang dại, thường mọc ở đồi núi và các bờ, bụi thành loại cây chuyên canh cho thu nhập cao.
Ông Cận kể: cách đây 5 năm, tình cờ gặp một người phụ nữ chuyên sống bằng nghề hái lá giang hoang dại ở các bờ ranh nương rẩy, ông lân la bắt chuyện và được người phụ nữ tiết lộ về thu nhập của việc hái lá giang. Chị này cho biết, chỉ bằng nghề hái lá giang gia đình chị cũng đủ sống và còn có tiền nuôi con cái học hành.Về nhà ông Cận suy nghĩ: tại sao một loại cây hoang dại, chịu hạn, ít sâu bệnh, sống quanh năm không nhờ phân bón lại được ưa chuộng (lá giang là loài cây có vị chua thường dùng để nấu canh với thịt gà hoặc cá) mà không ai trồng để phát triển kinh tế, chủ động nguồn hàng cung cấp cho thị trường hàng ngày.Vậy là ông Cận bắt đầu tìm tòi nghiên cứu về đặc tính sinh học của cây lá giang. Cái khó là chưa có sách vở nào nói nhiều đến loại cây này, trên thực tế cũng chưa có ai trồng để học hỏi. Cuối cùng, ông Cận tự mày mò tìm cách ươm giống, chiết cành. Nhiều lần bị thất bại, nhưng ông vẫn không nản chí. Thấy lá giang cũng là loại dây leo, ông nghĩ cách học hỏi kinh nghiệm của người trồng tiêu, sương sâm, sắn dây về áp dụng để ươm giống.
Trên cơ sở so sánh, đối chiếu giữa các loài dây leo này, ông đã rút ra được cách nhân giống cho cây lá giang. Ông Cận cho biết, khi có giống rồi, ông mới bắt đầu suy nghĩ, nghiên cứu cách trồng, cách chăm sóc và cách thu hoạch sao cho phù hợp để cây không bị kiệt sức trong quá trình thu hoạch.
Đầu năm 2007, ông Cận xây 450 trụ bằng gạch tương tự như trụ trồng tiêu để cho dây lá giang leo, nhưng trụ lá giang nhỏ và thấp hơn để dễ thu hoạch. Cây lá giang được trồng xung quanh trụ, mỗi trụ chỉ trồng 2 – 3 hom giống. Sau khoảng 3 tháng trồng và chăm sóc, lá giang bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân mỗi ngày ông bán được 180.000 đồng, và như vậy mỗi năm sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện dùng để chạy máy tưới, ông còn thu nhập hơn 60 triệu đồng.
Hiện nay, ông Cận tiếp tục xây thêm 250 trụ nữa, nâng tổng số trụ cây lá giang lên 700 trụ trên diện tích 3.000m2. Ông Cận tính toán, nếu thị trường tiêu thụ vẫn bình ổn như hiện tại, thì đến năm 2012 thu nhập bình quân của ông mỗi năm sau khi trừ chi phí còn gần 110 triệu đồng. Không những có thu nhập cho gia đình mà ông Cận còn tạo việc làm cho ba lao động trong ấp chuyên thu hoạch lá với mức thu nhập ổn định từ 1,8 triệu – 2 triệu đồng/người/ tháng.
Tiếng lành đồn xa, hiện nay mô hình trồng lá giang của ông Nguyễn Văn Cận ở ấp Phước Trinh, xã Tam Phước đã có vài người tìm đến tham quan, học hỏi. Sản phẩm lá giang của ông Cận cũng đã có mặt trên các chợ trong và ngoài huyện Long Điền.
Tìm bài này trên Google:
- cach trong la giang
- trong la giang
- cây lá giang
- kỷ thuật trồng lá giang
- mô hình trồng lá giang