Cây sưa còn có tên là huỳnh đàn, huê xà, sưa bắc, trắc thổi… Cây thâm canh sau trồng 10 năm đã cao 13m, đường kính 25cm, lõi 10-13cm. Cây sưa có mùi đặc biệt kỵ các loài sâu bọ, côn trùng, ruồi muỗi.
Gieo ươm cây con
Gieo hạt: Hạt có tỷ lệ nảy mầm cao khi qua thời gian ngủ nghỉ 30-50 ngày sau khi quả chín hoàn toàn. Thời vụ gieo hạt từ 4 tháng 2 đến 30 tháng 4 hàng năm. Giai đoạn cây con, nếu gặp rét đậm, nhiệt độ ban ngày thấp hơn 10 độ C cần che phủ nylon trắng, phòng chống rét cho cây.
Đất gieo ươm: Dùng đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa có pH = 7, không gieo trên đất sét, đất thịt nặng. Làm luống rộng 1-1,5m, cao 10-15m, dài tuỳ thế đất, đất mặt luống đập nhỏ, san phẳng.
Gieo hạt: Rắc hạt đều trên mặt luống, lấy cát pha đất hoặc cát non mịn sàng lấp đều kín hạt.
Tưới nước đảm bảo độ ẩm 70-80% cho hạt nhanh nảy mầm. Khi hạt nảy mầm 30 ngày (có 1-2 lá mọc thẳng đứng) thì nhổ cấy vào bầu nylon. Kích thước bầu 10-15 cm, có 2 lỗ thủng ở đáy. Thời gian cây con trong vườn ươm 50-90 ngày, khi cao 20-50cm, đường kính cổ rễ 2-5mm thì đem trồng ra vườn rừng kinh doanh.
Trồng và chăm sóc
Đào hố với kích thước 40x40x40cm, chuẩn bị trước khi trồng 20 – 40 ngày.
Trồng phân tán ở vườn gia đình, quy mô vài cây đến hàng trăm cây thì trồng theo hàng, cây cách cây 3m.
Trồng tập trung thiết kế từng lô, từng khoảnh ở rừng núi (nơi có độ dốc dưới 30 độ), đào hố theo đường đồng mức, với khoảng cách 3x3m. Mật độ 1.800-2.000 cây/ha.
Trồng ở vùng đồi gò trung du khoảng cách 2,5×2,5m. Mật độ 2.300-2.500cây/ha.
Chăm sóc: Sau khi trồng tưới ẩm đều trong 15 ngày cho cây bén rễ hồi xanh. Trong 3 năm đầu, mỗi năm làm cỏ bón phân 2 – 3 lần. Bón mỗi cây 0,1 – 0,2kg NPK (12:5:10). Những năm sau làm cỏ 1-2 lần/năm. Bón mỗi cây tăng 0,1-0,2kg NPK/mỗi tuổi.
Tỉa cành, tạo tán: Sau trồng 2 – 3 năm tỉa bỏ cành la, cành võng. Sau trồng 5 – 6 năm tỉa bỏ cành giao nhau. Sau trồng 6 – 7 năm, tỉa bỏ 1/2 số cây, chỉ giữ 1/2 số cây đẹp còn lại. Sau trồng khoảng 10 năm thì thu hoạch.
Nguồn: vietlinh.vn