Ghép cây là một cách rất hay để chăm sóc cây bonsai, nhưng không may thường bị hiểu sai và do đó không được sử dụng đúng mức.
Chỉ với một chút kiến thức về kỹ thuật ghép bonsai và một chút thực hành, người chơi bonsai ở mức độ trung bình đã có thể thành công trong việc ghép cây.
– Có nhiều lý do chỉ ra sự cần thiết để ghép cây. Tất nhiên đó là cách thức tốt để tạo ra những cây mới từ một cây mang các đặc điểm đáng mơ ước nhưng lại có bộ rễ yếu. Nhưng ghép cây cũng rất hữu ích đối với việc thay thế tán lá không đẹp trên một thân cây hoàn hảo, hoặc đối với việc tạo thêm nhánh trên những phần thân cây không mọc ra cành. Những cây có phần thân đẹp, nhưng một số cành mọc quá cao; hoặc những cây có một số đặc điểm tốt nhưng ít cành nhánh; kể cả những cây khẳng khiu chỉ có tán lá ở đỉnh đều có thể được áp dụng kỹ thuật ghép cây này.
– Có những kỹ thuật ghép khác nhau dựa trên những mục đích khác nhau. Bài viết này sẽ tập trung chủ yếu vào kỹ thuật ghép chồi cho cây gỗ thông đen của Nhật. Tuy nhiên kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng cho hầu hết những mục đích khác trên cây gỗ thông
1. Chuẩn bị dụng cụ ghép
– Bản thân cây chọn ghép phải khỏe mạnh và có sức sống. Thường thì cây nên được thay chậu khoảng một năm trước khi được ghép. Việc cắt tỉa rễ cũng như các hoạt động chăm sóc tốt nhất sẽ giúp cây phát triển tốt và làm tăng sức sống của cây. Điều này dẫn đến việc tạo một nguồn dưỡng chất hoàn hảo cho chồi non mới và đẩy nhanh quá trình liền mối ghép.
– Hãy chuẩn bị trước đầy đủ các dụng cụ làm vườn cần thiết. Một khi một chồi non được tỉa xong, nó cần được đặt vào đúng chỗ và được bao bọc lại ngay lập tức. Bạn phải thực hiện các thao tác một cách hiệu quả và không chần chừ. Tuy nhiên, vội vàng quá sẽ gây nguy hiểm cho cả cây và tay của bạn, vì thế hãy đặt mọi thứ gần tầm với và trong vị trí thích hợp nhất.
– Hãy dùng loại rêu ẩm New Zealand vì nó giữ độ ẩm rất tốt và dễ sử dụng. Ngoài ra, các dụng cụ làm vườn của bạn càng phải sắc bén càng tốt. Bạn cần một cây kéo xén thật bén, một cây dao sắc chuyên dùng để ghép cành, một con dao đã xài cũ hơn, một con dao đục khắc, một vài túi ni-lông (cắt thủng một phần của chúng trước để bọc chồi non vào dễ dàng hơn) và vài sợi dây để buộc túi ni-lông quanh chỗ ghép.
– Dụng cụ bị mòn có thể gây hại đến những mô sống của cây. Chúng cũng gây khó khăn cho việc tiến hành ghép cây và cũng khá là quan trọng đối với sự an toàn của bạn. Dao, kéo mòn có thể trượt đúng những lúc không ngờ nhất và có thể dẫn đến việc cây của bạn sẽ được làm màu mỡ hơn bởi chính máu của bạn đấy! Vì thế, bạn phải chuẩn bị cả đồ mài dụng cụ làm vườn để bạn có thể mài dao kéo của mình sau một vài thao tác cắt tỉa.
2. Kỹ thuật ghép chồi bonsai
– Hãy chọn lựa những chồi giống tốt trước khi ghép. Chúng phải thật khỏe mạnh, đừng ngẫu nhiên chọn đại mà phải chọn những chồi còn trong giai đoạn tiềm sinh. Nhờ thế mà cây ghép sẽ có thể đánh thức chúng. Nếu chồi của bạn đã bắt đầu sinh trưởng mất rồi thì chúng sẽ đòi hỏi nhiều dưỡng chất hơn khả năng cung cấp của cây ghép, cũng sẽ không có đủ thời gian để mối ghép liền lại, chồi non sẽ khô chết. Vì thế, chồi giống cần có thời gian để quen dần và phụ thuộc vào cây mới trước khi bắt đầu phát triển.
– Trước tiên bạn cần đánh dấu những vị trí bạn muốn cho ra một cành mới trên thân cây. Có thể dùng một viên phấn hoặc dung dịch bút xóa để đánh dấu lên vỏ cây. Khi làm dấu xong, hãy làm bong lớp vỏ sần sùi già cỗi ở những vị trí ấy bằng một con dao cũ. Vỏ cây gỗ thông khá cứng và có mủ, nên đừng dùng lưỡi dao chuyên dùng để tỉa chồi vì nó sẽ bị mòn.
– Sau đó lau sạch các vết đánh dấu trên vỏ cây. Tiếp theo hãy chuẩn bị chồi giống đầu tiên. Một số người đề nghị rằng hãy cắt tất cả các chồi giống cùng lúc và để ngay trước mặt để tỉa ngay khi cần. Nhưng tốt nhất là chỉ nên cắt từng chồi khi cần sử dụng đến, điều này sẽ tránh cho việc chồi bị khô héo. Chỉ khi bạn là một người ghép chiết cây chuyên nghiệp với hàng trăm mối ghép đang chờ thì mới phải cắt chồi sẵn thành từng nhóm như vậy thôi! Hãy dùng cây kéo xén nhẹ nhàng cắt chồi non được chọn như trong hình.
– Nên bỏ bớt một số lá nhọn trên chồi mới cắt, chỉ để lại 4 – 5 cặp lá là được. Hãy dùng kéo xén vì tước chúng bằng tay có thể làm hỏng chồi giống.
– Lúc này thì chồi giống đã được chuẩn bị nhưng chưa được tỉa xén. Bây giờ việc cần làm là chuẩn bị xén thân cây để ghép. Dùng chiếc dao đục, đặt lưỡi của nó chếch phía trên điểm sẽ ghép một góc khoảng 30 – 35 độ, rồi xén xuống. Thao tác này được dùng cho các cành nằm ở phần dưới của thân cây. Còn đối với các cành phía trên gần đỉnh, hãy tạo vết cắt sao cho cành mới sẽ mọc theo hướng tự nhiên nhất có thể.
– Việc xén tỉa chồi giống là việc quan trọng nhất. Thao tác này cần được thực hiện trên một bề mặt nhẹ êm để tránh làm hỏng chồi và làm mòn lưỡi dao. Bắt đầu tỉa nhát đầu tiên ở một bên mặt chồi như hình chụp. Kết thúc nhát cắt ngay vị trí đã cắt chồi ra khỏi cành khi nãy. Sau đó lật mặt bên kia và thực hiện một nhát cắt giống như vậy ở vị trí đối diện nhưng dài hơn một chút.
– Phần dưới cùng của chồi nên được tỉa phẳng phiu. Nếu nó có dạng góc, hãy tỉa lại sao cho 2 vết cắt giao nhau một cách chính xác. Nếu không thì mặt tiếp xúc của chồi sẽ không ghép được với gốc ghép. Những thao tác cắt tỉa này cần được thực hiện nhanh chóng, dứt khoát và chính xác. Đó chính là điều cốt yếu góp phần thành công cho quá trình ghép cây.
– Sau đó, lập tức đặt chồi giống lên gốc ghép. Bề mặt dài hơn tiếp xúc dọc theo mặt gỗ của gốc ghép. Càng tiếp xúc với mặt gỗ sâu bên trong thì cơ hội ghép thành công càng cao.
– Tiếp theo cần phủ lớp rêu ẩm lên phần mới ghép để giữ độ ẩm. Dùng dây chuyên dùng nối mối ghép buộc chỗ nối lại. Chừa một đoạn dây hơi dài ra để bạn có thể dùng cho bước tiếp theo. Lấy túi ni-lông phủ lên chồi mới ghép, cẩn thận phủ cả những lá nhọn của nó, phần miệng túi ni-lông được cắt hở ra thì đối diện với thân cây. Sau đó thì buộc miệng túi ni-lông lại một cách bảo đảm, chú ý phủ luôn cả lớp rêu ẩm để chúng không thể lan ra ngoài miệng túi. Bởi như vậy sẽ làm mối ghép mất hết độ ẩm và bị khô.
3. Kỹ thuật chăm sóc chồi ghép
– Đem chậu cây vào nơi có bóng râm và cẩn thận trông chừng những mối ghép. Hãy tưới nước thường xuyên và kiểm tra xem có nước đọng bên trong túi ni-lông hay không. Nếu có thì cây của bạn đang có đủ độ ẩm đấy! Cứ mỗi 2 hay 3 ngày, bạn cần làm ẩm lớp rêu. Dùng ống tiêm để bơm nước vào bên trong túi ni-lông là cách hay nhất.
– Trong vòng 2 tháng, bạn sẽ thấy sự nhú mầm trên mối ghép. Đừng xén tỉa cây trong giai đoạn này. Khi cây phát triển đâm vào túi ni-lông, cắt bỏ phần ni-lông ngay chỗ đó để mầm có thể nhú ra ngoài và tránh thương tổn. Từ từ cho cây làm quen dần với ánh sáng mặt trời. Để nguyên túi ni-lông trong vòng một năm, sau đó mới tháo bỏ nó, nhưng vẫn để dây buộc đến năm thứ 2. Sau 2 năm, bạn có thể cẩn thận quấn kẽm vào cành mới, tạo dáng cho nó một cách tự nhiên. Sau 4 năm, có thể thực hiện việc uốn cành một cách bình thường.
– Chỉ khoảng 5 tuần hoặc khoảng đó, nhánh mới đã mọc ra rõ ràng, cho thấy rằng chồi đã nhận đầy đủ dưỡng chất cần thiết từ thân cây. Bây giờ điều cần làm là bạn phải đảm bảo nhánh mới đó không bị gây tổn thương bởi túi ni-lông bao ngoài.
– Thay vì tháo bỏ cả túi ni-lông, có thể tạo lỗ hổng cho nhánh đâm dài ra. Như vậy vẫn sẽ giữ được độ ẩm bên trong túi. Cứ để cho nhánh cây mới phát triển liên tục ít nhất trong 2 mùa.
– Thật sự các phương pháp chiết ghép không khó như người ta vẫn nghĩ. Và nó còn đem lại nhiều ích lợi hơn mong đợi. Những cành yếu, nhánh khẳng khiu và những thân trơ trọi lá đều có thể được cải thiện tốt hơn nhờ phương pháp ghép này.
Nguồn: kithuatnuoitrong.com