Site icon Nuoitrong123

Lưu ý các yếu tố ảnh hưởng tôm lột xác

Lưu ý các yếu tố ảnh hưởng tôm lột xác - 573bf5590bbcd

Để tôm lột xác tốt, đồng đều, người nuôi cần phải quản lý tốt các yếu tố ảnh hưởng đến lột xác như dinh dưỡng, môi trường, dịch bệnh.

Yếu tố dinh dưỡng

Là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tôm khó lột xác. Tôm thiếu dinh dưỡng sẽ không đủ chất để làm đầy vỏ nên vỏ không nứt ra để lột xác. Để tôm lột xác tốt cần cho tôm ăn đủ lượng thức ăn có hàm lượng đạm tổng số 32 – 45%.

Quản lý thức ăn: Cho tôm ăn đủ lượng thức ăn, trong tháng nuôi đầu cho ăn 8 – 10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi, các tháng tiếp theo cho ăn với lượng 5 – 7%. Điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Chuyển đổi thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.

Bổ sung khoáng chất: Cung cấp đầy đủ chất khoáng cần thiết giúp tôm lột xác tốt hơn, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng. Chủ động bổ sung một số chất cần thiết như Canxi, Phospho, men kích thích, Premix… để tôm có thể tái tạo lớp vỏ mới. Tôm nuôi thường lột xác vào ban đêm vì vậy nên bổ sung chất khoáng vào bữa ăn chiều cho tôm.

Môi trường nuôi

Môi trường nuôi không tốt ức chế các hoạt động, ảnh hưởng lớn đến quá trình lột xác của tôm. Vì vậy, cần chủ động điều tiết các thông số môi trường như: pH, độ kiềm, ôxy hòa tan, nhiệt độ… Bằng cách thực hiện cải tạo, xử lý môi trường nuôi, gây màu nước cho tốt, nuôi đúng thời vụ; Thả nuôi với mật độ vừa phải; Định kỳ thay nước để đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh.

Ôxy hòa tan: Trong quá trình lột xác, nhu cầu ôxy của tôm cao gấp đôi nên khi thấy tôm có dấu hiệu chuẩn bị lột xác cần tăng cường quạt nước, sục khí để bổ sung hàm lượng ôxy hòa tan. Duy trì hàm lượng ôxy hòa tan trong khoảng 4 – 6 mg/l trong suốt quá trình lột xác của tôm.

Độ mặn: Những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan có sẵn trong ao càng cao và ngược lại. Vì vậy, đối với những ao nuôi tôm có độ mặn thấp thì phải tăng cường việc bổ sung khoáng cho tôm. Tuy nhiên, nếu độ mặn tăng cao hơn 25‰, vỏ tôm thường dày và cứng, kéo dài thời gian lột xác của tôm. Vì vậy, cần nuôi tôm theo đúng thời vụ và vùng quy hoạch theo khuyến cáo.

pH: Tôm lột xác khi pH đạt 7 – 8,5 và tốt nhất 7,5 – 8. Để ổn định pH cần duy trì độ trong của nước ao nuôi từ 30 – 40 cm. Nếu pH < 7,5 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều 10 – 20 kg/1.000 m3 nước; pH > 8,5 thì sử dụng mật đường 3 kg/1.000 m3 kết hợp sử dụng vi sinh theo hướng dẫn nhà sản xuất tạt xuống ao nuôi.

Độ kiềm: Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 120 mg CaCO3/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite và bổ sung khoáng 3 – 5 ngày/lần vào ban đêm giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

Do một số bệnh

Trong quá trình nuôi tôm bị mắc một số bệnh như nấm, đóng rong, tôm còi… cũng khiến cho tôm chậm lột vỏ hoặc không thể lột vỏ. Phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm; thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp khác. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, cần đồng thời tiến hành các biện pháp điều trị cho từng bệnh cụ thể.

Đối với một số trường hợp có thể kích thích tôm lột xác bằng Saponin, Rotenone với liều lượng 3 – 5 g/m3nước; Hoặc sốc độ mặn, sốc nhiệt, thay nước mới cho ao nuôi cũng là biện pháp vừa cải thiện chất lượng nước vừa kích thích tôm lột xác.

Nguồn: nghenong.com

Tìm bài này trên Google:

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version