Site icon Nuoitrong123

Mô hình nuôi cua xanh bằng giống nhân tạo

Mô hình nuôi cua xanh thương phẩm bằng nguồn cua giống nhân tạo được Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) triển khai đã đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng nuôi trồng thuỷ sản mới cho bà con nông dân.

 

 

 

Mô hình được triển khai tại hồ nuôi của gia đình ông Đặng Lâm, thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà với diện tích 2.500 m2. Nguồn cua giống được lấy từ Trại Thực nghiệm giống thủy sản Đức Phong, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức. So với nguồn cua giống tự nhiên, nguồn giống nhân tạo có nhiều ưu điểm vượt trội, kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao và tốc độ tăng trưởng nhanh.

Thực hiện mô hình, ông Lâm được hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn và một số thuốc phòng trừ bệnh. Ngoài ra, còn được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn về quy trình chăm sóc cua xanh.

Quy trình nuôi cua xanh thương phẩm được chia làm 02 giai đoạn. Giai đoạn 1, ương cua bột lên cua giống. Số lượng cua thả 8.750 con. Mật độ ương 3,5 con/m2, kích cỡ cua bột từ 0,5 – 0,7 cm. Sau thời gian 25 ngày, cua đã đạt kích cỡ 2 cm/con, tỷ lệ sống 43%. Giai đoạn 2, nuôi cua giống lên cua thịt. Lựa chọn những con khoẻ mạnh đạt kích cỡ yêu cầu của cua giống. Số lượng cua thả 3.762 con. Mật độ thả 1,5 con/m2.

Trong suốt thời gian nuôi, tuy thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, nhưng cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn cho hộ nuôi giữ mực nước bình quân trong hồ sâu khoảng 1,2 m, kết hợp với thả chà làm nơi trú ẩn cho cua và thường xuyên bổ sung vitamin C và các thức ăn hợp lý theo từng chu kỳ phát triển của con cua nên cua khỏe mạnh và tăng trọng tương đối nhanh. Sau 100 ngày nuôi, một số cua đã đạt trọng lượng 250 gam/con (đạt kích cỡ cua thịt). Ước tính mô hình thu được khoảng 500 kg cua, với giá bán khoảng 160.000 đồng/kg, gia đình ông Lâm thu về trên 75 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi trên 16 triệu đồng. Như vậy, với diện tích 1 ha mô hình sẽ cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Ông Phạm Đăng Đồng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa cho biết: Vài năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm ở vùng này đều bị thiệt hại lớn do tôm bị dịch bệnh nên nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang. Do đó, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cua xanh thương phẩm. Nhìn chung, đến nay mô hình đạt kết quả khả quan. Trong thời gian tới, Trạm tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện ở những vùng có diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang…

Theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật, nuôi cua xanh thương phẩm sẽ cho giá trị kinh tế cao, tuy nhiên để mô hình nuôi cua đạt hiệu quả cao cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi. Với kết quả bước đầu, mô hình nuôi cua xanh bằng nguồn giống nhân tạo đã mở ra một hướng đi mới giúp bà con tận dụng các hồ nuôi tôm không có hiệu quả, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo nguồn thu cho người dân.

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version