Từ những diện tích đất đồi rừng trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả, lão nông Trần Xuân Hương ở xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và nuôi lợn. Sau 6 năm chăm bẵm, trang trại đã giúp gia đình ông thu lãi gần tỷ đồng/năm.
Hơn 10 năm chạy ăn từng bữa
Về xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn hỏi thăm trang trại của lão nông Trần Xuân Hương, ai cũng tường tận hướng dẫn dù trang trại nằm ở dãy đồi rừng cuối xã. Bằng chất giọng Hương Sơn mộc mạc, ông Hương đã kể cho phóng viên nghe về những năm tháng gian nan khai phá đồi rừng làm trang trại của hai vợ chồng.
Sau 6 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1986 ông Hương trở về quê hương. Lúc bấy giờ cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, bản thân ông phải vật lộn với rất nhiều nghề từ thợ mộc, đốt gạch, ngược xuôi ở các chợ trong huyện buôn cam, chanh, bán chè nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được.
Thấy ông vất vả, vợ ông cũng không ngồi yên bàn với chồng đi xuất khẩu lao động, mong cuộc sống khá lên nhưng trong khoảng thời gian hơn 10 năm bươn chải xứ người, thu nhập của vợ ông cũng chỉ tạm đủ nuôi con ăn học, đời sống gia đình vẫn chưa thoát cảnh chật vật.
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ ngược xuôi, ông quyết định chuyển đổi 6ha rừng trồng chàm và cây keo kém hiệu quả của gia đình sang mô hình trang trại. Đó là vào năm 2009, đúng thời điểm ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang khuyến khích các hộ nông dân phát triển sản xuất bằng các mô hình kinh tế trang trại.
Theo đó, ông đã chuyển toàn bộ rừng trồng keo kém hiệu quả sang trồng cam, chanh và trồng cao su tiểu điền. Càng làm trang trại ông càng mê vì hiệu quả thấy rõ, lúc này ông Hương gọi hai vợ chồng đứa con đầu đang làm thuê ở miền Nam về góp sức làm trang trại.
Đến năm 2011, ông Hương mạnh dạn làm đơn lên xã xin nhận thầu 1,2ha đất hoang bạc màu bỏ hoang bên sườn núi ở thôn Hương Thủy để tiếp tục mở trang trại nuôi lợn.
Giờ đây ông Hương đã xấp xỉ tuổi 60, nhưng hàng ngày người dân xung quanh vẫn thấy ông dậy sớm vào chân núi Hồng Thủy cải tạo đất, làm vườn đến tối mịt với về. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Hương nhớ như in thời gian đầu, dưới chân núi còn ngổn ngang những bãi đất lô nhô, hoang hóa toàn sỏi đá, đến cỏ cũng không mọc nổi.
Nhiều khu vực trong trang trại chỉ đào sâu 30-40cm là gặp những tảng đá khổng lồ, máy khoan không thấu, ông Hương phải thuê máy đào mới khai phá nổi. Sau một năm xây dựng cơ ngơi, ông Hương lại phải khăn gói ra miền Bắc học tập kỹ thuật nuôi lợn cũng như tìm hiểu thị trường tiêu thụ.
Trong những chuyến đi này, ông đã được đối tác là Công ty CP ký kết hợp đồng chăn nuôi gia công. Tháng 1.2012, ông được Ngân hàng NNPTNT huyện cho vay vốn, cộng với vốn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, ông mạnh dạn đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng chuồng chăn nuôi lợn thịt với quy mô 1.200 con/lứa. Từ đó, chặng đường hơn 10 năm chạy chợ lo toan từng bữa hàng ngày đã được gỡ bỏ, giấc mơ làm giàu của ông Hương dần trở thành sự thật.
Bỏ túi 700 triệu đồng/năm
Dẫn chúng tôi dạo một vòng xung quanh trang trại, ông Hương chỉ vào 2 dãy chuồng với 1.200 con lợn vừa nhập giống về nuôi chưa đầy 1 tháng. Ông Hương nhẩm tính, mỗi năm xuất chuồng 2,5 lứa, riêng lợi nhuận ròng đạt từ 500 – 600 triệu đồng/năm. Sau 4 năm vững vàng với kinh nghiệm nuôi lợn, ông tiếp tục sử dụng diện tích đất còn lại đầu tư khu chăn nuôi gà và thỏ riêng biệt để phát huy tối đa hiệu quả đất đai, tăng lợi nhuận.
Ngoài nuôi lợn, trồng cam, ông Hương còn có 4ha cao su và nuôi thỏ.
Ngoài chăn nuôi, gia đình ông Hương còn trồng hơn 4ha cây cao su, chỉ khoảng 2 năm nữa là cho thu hoạch mủ và trên 600 gốc cam, chanh. Mỗi năm riêng tiền bán cam, chanh cũng đã được khoảng 200 triệu đồng. Ông Hường vui vẻ cho biết, mỗi năm trang trại cho thu nhập nhẹ nhàng cũng được 700 triệu đồng.
Nhớ lại thời mới bắt tay vào nuôi lứa lợn đầu tiên, ông Hương nói: “Thời điểm đó tôi mới đầu tư 1 chuồng nên chỉ nuôi 600 con lợn thịt. Vậy mà khi xuất chuồng, trừ mọi chi phí tôi đã bỏ túi hơn 200 triệu đồng tiền lãi. Cầm số tiền lớn trên tay, tôi biết mình đã đi đúng hướng”.
Theo ông Hương, bí quyết thành công của gia đình ông trong làm trang trại nuôi lợn là chú trọng khâu liên kết. “Đa phần nông dân hiện nay chăn nuôi theo kinh nghiệm, khâu tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên thường bị ép giá. Vì vậy chăn nuôi trong thời điểm này cần phải có đầu ra ổn định, phải tạo chuỗi liên kết để hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, phải có con giống tốt, am hiểu kỹ thuật” – ông Hương nhấn mạnh.
Ông Trương Kế Bảo – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy cho biết: “Ông Hương là cựu chiến binh dám nói dám làm và là người đi đầu làm trang trại chăn nuôi ở địa phương. Ngoài trang trại trồng cây ăn quả, nuôi lợn ông Hương còn tham gia nhiều nghề như làm mộc, mỗi năm thu về tiền tỷ, các con đều có công ăn việc làm. Ông là tấm gương cho bà con nông dân địa phương học tập làm theo”.
Nguồn: danviet.vn