Cỏ xước là loại cỏ sống lâu năm, có thể cao tới gần 1m, thân có lông mềm. Lá hình trứng, mọc đối, mép lượn sóng. Hoa nhiều, mọc thành bông ở ngọn, dài 20-30 cm.
Quả nang là một túi, có thành rất mỏng, có lá bắc nhọn như gai, dễ mắc vào quần áo khi ta đụng phải. Hạt hình trứng dài.
Để dùng làm thuốc, người ta nhổ toàn cây (liền cả rễ), rửa sạch, thái ngắn, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Theo Đông y: Cỏ xước có vị đắng, chua, tính bình. Sinh ngưu tất (chỉ phơi khô, chưa sao vàng) có tác dụng phá huyết, tiêu ứ; sao chín có tác dụng mạnh gân xương, bổ can thận. Dùng chữa phong thấp tê mỏi, cước khí, ngã sưng đau. Thời xưa, danh y Tuệ Tĩnh thường dùng rễ cỏ xước thay cho vị thuốc “ngưu tất” (theo phân loại thực vật: Ngưu tất và cỏ xước là những loài cây cùng họ, cùng chi). Ngoài dùng làm thuốc, ở một số nơi, người ta cho cành, lá cỏ xước vào chuồng lợn nái, cho lợn dễ đẻ. Liều dùng: 15-30g sắc uống; dùng ngoài giã đắp. Kiêng kỵ: Phụ nữ đang có thai kiêng dùng.
Cách dùng cỏ xước chữa đau nhức:
• Chữa khớp xương đau nhức khi thời tiết thay đổi: Tùy hoàn cảnh, có thể sử dụng một trong số các phương pháp như sau:
– Dùng độc vị cỏ xước, 15-20g, sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống trong ngày; uống theo từng đợt 10-15 ngày (1 liệu trình).
– Dùng rễ cỏ xước 40g, rễ lá lốt 20g, có thể thêm thân và rễ cây ké đầu ngựa 40g; sắc nước uống.
– Dùng rễ cỏ xước (sao vàng) 20g, rễ cây nhàu (sao vàng) 40g; sắc nước uống trong ngày.
– Dùng rễ cỏ xước 20g, dây đau xương 20g, rễ sim (sao) 20g, cẩu tích 16g, thổ phục linh 20g; sắc nước uống trong ngày.
• Chữa đau thần kinh tọa: Dùng rễ cỏ xước 20g, lá lốt 16g, thiên niên kiện 12g, củ ráy sao 12g, tô mộc 12g, cẩu tích 12g, đỗ trọng 16g, ngải cứu 12g, ý dĩ 20g, lá thông 12g, nước 1000ml sắc còn 300ml; chia 2 lần uống trong ngày.
Dùng cho trường hợp đau dây thần kinh tọa (yêu thống).
Với những biểu hiện: Đau dọc theo dây thần kinh hông; phải nằm co chân tựa trên gối mới đỡ đau; đau tăng lên khi thay đổi tư thế, khi ho, hắt hơi hoặc đi lại nhiều, …
Ngoài ra, còn có thể sử dụng cỏ xước để chữa trị một số chứng bệnh thường gặp khác như sau:
– Chữa vàng da do tắc mật: Dùng cỏ xước 100g, gan lợn 1 bộ, nấu chung với nhau cho thật nhừ, chắt lấy nước; chia ra uống trong ngày.
– Chữa phù thũng, vàng da: Dùng cỏ xước, rễ cỏ tranh, bông mã đề, dây khố rách – mỗi thứ 20-25g; sắc nước uống.
– Chữa đái ra máu: Dùng rễ cỏ xước 20g, củ mài (sao vàng) 40g, hạt sen (sao vàng) 40g, bông mã đề lá trắc bách diệp (sao cháy), cỏ nhọ nồi (sao đen); tất cả tán thành bột mịn; ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g.
– Chữa đái đục: Dùng rễ cỏ xước 20g, củ mài 20g, ý dĩ 40g, rễ cỏ tranh 12g, rễ bấn trắng 12g, bông mã đề (sao) 12g; sắc nước uống trong ngày.
– Chữa tiểu tiện đau buốt: Dùng cỏ xước một nắm (khoảng 20g); sắc nước uống (Nam dược thần hiệu).
– Chữa miệng lưỡi lở loét: Dùng cỏ xước một nắm, tẩm rượu nhai ngậm nuốt nước hoặc sắc nước ngậm và uống (Nam dược thần hiệu).
– Chữa nhiễm khí độc của rừng núi, mê man nguy cấp: Dùng lá cỏ xước một nắm to (khoảng 30g); sắc nước uống (Nam dược thần hiệu).
– Chữa sốt nóng, sổ mũi: Dùng cỏ xước, lá diễn, đơn buốt – mỗi thứ 30g; sắc nước uống.
– Chữa quai bị: Dùng rễ cỏ xước, chế thêm nước, giã nát; gạn lấy nước xúc miệng và uống trong; bên ngoài giã rễ cỏ xước đắp lên chỗ sưng đau.
– Chữa hóc xương:
– Dùng lá cỏ xước một nắm, nhai nuốt dần nước, bã đắp ở cổ.
– Một số nơi thêm lá khế 1 nắm, lá thồm lồm 1 nắm, bồ hóng một ít, với cách chế và dùng như sau: Các vị thuốc giã nhỏ, pha vào nửa bát nước đã đun sôi để nguội, hòa đều, gạn lấy nước uống, còn bã đắp vào cổ; uống một lần chưa đỡ thì uống thêm và đắp một lần nữa.
Cây cỏ xước còn dùng trong vị thuốc chữa thoát vị đỉa đệm( trong bài thuốc có cây chìa vôi, cây cỏ xước, cây tầm gửi, lá lốt, cỏ ngươi, dền gai).
Nguồn: thaoduocquy.net