Trà Vinh: Nghề nuôi Ong lấy mật ở Cầu Kè

Trước đây, nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Cầu Kè phát triển rất mạnh, hàng năm cứ vào tháng 3 đến tháng 5, các hộ chuyên nuôi ong từ các tỉnh miền Đông hoặc tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long… sang tìm “đặt chỗ” với các nhà vườn trong huyện để nuôi ong lấy mật.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng bệnh chổi rồng trên cây nhãn nên các loài ong về các khu vườn cây ăn trái của Cầu Kè giảm mạnh, từ năm 2014 – 2015 khi các vườn nhãn bị bệnh chổi rồng trong huyện được phục hồi tốt, đã thu hút nghề nuôi ong phát triển trở lại.

Theo ghi nhận, hiện trên địa bàn huyện Cầu Kè có khoảng 10 hộ chuyên nuôi ong lấy mật từ các nơi khác về thuê mướn vườn trong hộ dân để làm điểm đặt thùng nuôi. Tập trung nhiều ở các xã Ninh Thới, An Phú Tân và Hòa Tân, trung bình mỗi hộ nuôi có từ 200 – 300 thùng (dụng cụ chuyên nuôi ong); mỗi thùng nuôi thường có kích cỡ 40 x 60 cm và độ cao khoảng 40 cm. Theo một hộ nuôi ong tại ấp Đồng Điền (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè), các thùng nuôi ong trước đây chủ yếu làm bằng cây, hiện nay được thay thế bằng thùng mủ cứng, tuy giá thành cao hơn, nhưng thời gian sử dụng gấp 2 lần so thùng cây. Chi phí để đầu tư cho 100 thùng nuôi ong khoảng 50 triệu đồng, bao gồm ong giống, tổ kén, thùng…

Trà Vinh: Nghề nuôi Ong lấy mật ở Cầu Kè - nuoi20ong20lay20mat20cau20ke20tra20vinh

Một điểm nuôi ong lấy mật ở ấp Đồng Điền, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè

Lượng ong nhiều hay ít thường phụ thuộc vào khu vực nơi có diện tích vườn cây ăn trái, đối với các loại cây ăn trái như chôm chôm, nhãn thường có tính dẫn dụ ong cao hơn, do lượng mật từ bông tiết ra nhiều, thu hút ong về. Trung bình, để phát huy hiệu quả của một điểm đặt thùng nuôi ong lấy mật (khoảng 200 – 300 thùng) đòi hỏi diện tích vườn cây ăn trái xung quanh đạt từ 400 – 500 ha và bán kính ong hoạt động để hút mật từ các khu vườn 10 – 15 km. Nghề nuôi ong lấy mật tuy còn mới mẻ đối với người dân trong tỉnh, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, phần lớn các hộ sinh sống bằng nghề nuôi ong lấy mật chủ yếu là người ngoài tỉnh và thời gian đặt thùng luôn luân chuyển theo đặc tính của loài ong và mùa vụ cây ăn trái…

Nói về kinh nghiệm nuôi ong lấy mật, anh Lê Thế Tình (tỉnh Đồng Nai) là người có trên chục năm sống bằng nghề nuôi ong lấy mật cho biết: Hàng năm khi vào mùa cây ăn trái ra hoa (tùy theo vùng, địa phương) sẽ được người nuôi ong tìm đến các chủ vườn để xin điểm đặt thùng nuôi ong; giá thuê từ 1,5 – 2 triệu đồng/vụ. Đối với Cầu Kè thời gian từ tháng 3 kéo dài đến tháng 10, sau khi trời bắt đầu vào mùa mưa dầm, những người nuôi ong lấy mật bắt đầu di chuyển về các tỉnh miền Đông Nam Bộ, do thời điểm này các tỉnh trên ít mưa và các loại cây như cao su, chôm chôm, sầu riêng bắt đầu ra hoa.

Chất lượng mật thường phụ thuộc nhiều vào từng loại cây cho hoa, khi vào những thời điểm lượng hoa ở các cây ăn trái giảm (mất mùa) sẽ được các chủ nuôi ong sử dụng thêm lượng đường mật để làm thức ăn bổ sung cho đàn ong nuôi. Thời gian đặt thùng để lấy mật thường kéo dài khoảng 3 – 4 tháng, chu kỳ thu mật 7 – 10 ngày/đợt, theo các hộnuôi ong thì lượng mật thường phụ thuộc vào diện tích và chủng loại cây ăn trái. Trong 01 chu kỳ đặt thùng (khoảng 3 – 4 tháng), người nuôi ong sẽ thu được 2,5 – 3,5 kg mật/thùng. Sau khi trừ chi phí, người nuôi ong lấy mật sẽ thu được 20 – 25 triệu đồng/200 thùng.

Nuôi ong lấy mật không chỉ là nghề góp phần cải thiện cuộc sống của người lao động, qua đó còn giúp cải thiện về môi trường sinh thái trong việc giúp nhà vườn nâng cao năng suất cây ăn trái, quá trình thụ phấn của hoa dưới tác động của ong; hạn chế các sâu bệnh phát triển…

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh

Thảo luận cho bài: Trà Vinh: Nghề nuôi Ong lấy mật ở Cầu Kè

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *