Hiện tại, mỗi ha dưa lưới có thể cho lợi nhuận từ 2,5- 3 tỷ đồng mỗi năm, hoặc với vài công đất, người trồng cũng có thể thu về hàng trăm triệu đồng.
Được đưa vào trồng thử nghiệm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM khoảng 2-3 năm trở lại đây, dưa lưới nhanh chóng trở thành sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế khi năng suất cao, có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…
|
Dưa lưới cho hiệu quả kinh tế rất cao. |
Ông Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM cho biết, hiện tại, mỗi ha dưa lưới có thể cho thu lãi từ 2,5-3 tỷ đồng một năm, hoặc với vài công đất, người trồng cũng có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, cũng theo ông Xô, hạt giống dưa lưới hiện tại phải nhập khẩu hoàn toàn từ các nước nên giá bán rất cao, nông dân phải mua với giá từ 3.500-5.000 đồng một hạt giống. Hạt giống F1 được các doanh nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản, Hà Lan và Úc, đôi khi còn có giá cao hơn nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM đã thực hiện lai tạo giống dưa lưới riêng cho thị trường Việt Nam. Hiện tại, các giống này đã được trồng thực nghiệm đến thế hệ thứ 4.
Thông thường, một giống mới lai tạo, đến thế hệ thứ 6, thứ 7 thì sẽ ổn định được các tính trạng, có thể nhân giống đại trà. Do đó, ông Xô cho rằng, trong 1-2 năm tới sẽ có giống dưa lưới nội địa với giá cả hợp lý hơn cho nông dân.
“TP HCM cũng đang ráo riết, tích cực tạo hành lang chính sách nhằm hỗ trợ ngành giống phát triển, với mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp giống cho nông nghiệp công nghệ cao của cả nước trong những năm tới”, ông Xô khẳng định.