Mô hình trồng lúa thảo dược được gia đình bà Lê thị Nga ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, Vũng Liêm (Vĩnh Long) triển khai trên 2,5 ha đất ruộng đạt giá trị sản xuất lúa thảo dược gấp 10 lần lúa thông thường.
Bà Nga kể, năm 2010 qua tìm hiểu báo, đài bà biết đến cây lúa tím Nhật, hạt lúa có màu tím và lá tím được sản xuất ở tỉnh Nghệ An. Lần đó bà đặt mua 2 kg giống lúa này về trồng thử trên diện tích gần 400 m2. Sau mỗi vụ thu hoạch bà cẩn thận loại bỏ những bông không cho hạt tím, hạt xấu, thân cao hơn bình thường, rồi sau đó phân tích thành phần chất lượng dinh dưỡng để tìm ra được bộ giống tốt cho mùa sau.
Cứ lần lượt như vậy sau gần 7 năm trời ròng rã, đến nay bà Nga đã có được nguồn giống lúa tím. Lúa thảo dược thích nghi với môi trường đất và khí hậu đồng bằng, năng suất tốt, chống chọi sâu bệnh khá. Sau mỗi lần thử nghiệm sản xuất bà đều đem hạt gạo thảo dược biếu cho bà con hàng xóm, khách hàng, đối tác… dùng thử để họ bình phẩm chất lượng gạo.
Từ đó những đối tác đã trở thành khách hàng thân thuộc. Bên cạnh đó, gạo thảo dược của bà Nga còn được các cửa hàng rau sạch, tiện lợi phân phối với giá mua vào rất cao, 40.000 đồng/kg mà vẫn cháy hàng.
Chúng tôi đến thăm nhà bà Nga dịp sau Tết nguyên đán, bà cho biết, hiện chỉ còn 10kg gạo thảo dược để làm mẫu cho khách tham quan. Lượng hàng trước đó bà đã xuất hết dịp tết.
Theo bà Nga, ban đầu bà tự tin sản xuất lúa thảo dược theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, quá trình canh tác lúa thảo dược đã có những thay đổi rất khác so với lúa hữu cơ. Đó là ngoài các vấn đề sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh thì người sản xuất không được sử dụng hóa chất, thuốc BVTV. Vì vậy trước các đối tượng thiên địch như sâu rầy thì phải làm sao, đó là vấn đề khiến bà không ít lần lo lắng.
Nhờ sự giúp đỡ tận tình từ các nhà khoa học, cơ quan chức năng bà Nga đã hoàn thiện quy trình trồng lúa thảo dược với 100% không hóa chất, không thuốc BVTV. Chỉ sử dụng các chế phẩm thảo dược có tính kỵ với côn trùng để phòng trừ sâu bệnh hại chiết xuất từ trái la hán quả, quế, tam thất nghệ đen, ba kích, gừng, ớt, tỏi…
Lý giải về lúa thảo dược của mình, bà Nga tự tin cho biết, hạt gạo của bà đã được các cơ quan chức năng phân tích hàm lượng dinh dưỡng, trong đó hàm lượng Omega 3,6,9, chất sắt đạt cao. Đây là các thành phần quan trọng nhất giúp hạt gạo cung cấp những hoạt chất rất tốt cho người bị bệnh huyết áp, xương khớp, mờ mắt, tiểu đường… Đặc biệt thay vì phải dùng viên sắt trong thuốc tây trước và trong giai đoạn thai kỳ, phụ nữ có thể sử dụng gạo thảo dược để cung cấp đủ hàm lượng chất sắt cho thai nhi được cứng cáp khỏe mạnh, bà mẹ da dẻ hồng hào.
Nói về hướng phát triển gạo thảo dược, bà Nga chia sẻ: “Thời gian tới gia đình tôi tiếp tục phát triển diện tích sản xuất lên 4ha để đáp ứng nhu cầu thị trường và các đối tác tin cậy với tiêu chí an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng, người canh tác, môi sinh…”.
“Gia đình sẽ quản lý quy trình canh tác đảm bảo an toàn tuyệt đối, để gạo thảo dược là địa chỉ tin cậy cho người sử dụng. Không vì những khoản lợi nhuận chào mời trước mắt của các đối tác mà mở rộng quy mô sản xuất ồ ạt, không kiểm soát hết được quy trình sản xuất, dẫn đến sản phẩm chất lượng kém, mất lòng tin của người tiêu dùng”, bà Nga chia sẻ.
Ngoài việc cung cấp gạo thảo dược, gia đình bà Nga còn sản xuất trà gạo lứt từ gạo thảo dược. Mỗi gói trà 500g có giá khoảng 40.000 đồng. Bên cạnh đó, bà còn là một trong những thành viên cơ hữu sáng lập HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt. Năm 2018, HTX Tấn Đạt hoạt động hiệu quả, doanh thu 2,69 tỷ đồng, lợi nhuận thu về cho HTX trên 295 triệu đồng, chia lãi hơn 147 triệu.
Tiêu đề gốc: Trồng lúa thảo dược khỏe người, tăng thu nhập