Site icon Nuoitrong123

Trồng Sa nhân tím mang lại lợi ích kinh tế

Sa nhân tím là loại cây được Mạng lưới đất rừng Hà Tĩnh lựa chọn trồng thử nghiệm dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn). Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, sa nhân tím hứa hẹn mang lại nguồn lợi kép cho người dân nơi đây.

Trong thời gian tới, diện tích sa nhân tím có thể được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân Hương Sơn.

Sa nhân tím (tên khoa học là Amomum Longiligulare T.L.Wu), thuộc họ Gừng, là một trong những cây thuốc quý và có giá trị xuất khẩu cao. Quả sa nhân có vị cay, tính ôn, có tác dụng hành khí, hòa vị, giúp tiêu hóa dễ dàng nên thường dùng cho các trường hợp: đau bụng, dạ dày, chậm tiêu, tả lỵ… Mùa thu hoạch quả chính từ tháng 3 đến tháng 4; mùa phụ từ tháng 11 đến tháng 12. Hiện nay, trên thị trường, giá quả sa nhân tím dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg, được các cơ sở thuốc Bắc trên địa bàn đảm bảo thu mua.

Tháng 5/2014, thành viên Ban đại diện Mạng lưới đất rừng (MLĐR) tại xã Sơn Kim 1, cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai, Viện Nghiên cứu Chính sách xã hội (SPERI), Trung tâm Tư vấn  quản lý tài nguyên bền vững và Phát triển văn hóa Đông Nam Á (CIRUM) đã tham quan, khảo sát và chia sẻ mô hình trồng cây sa nhân với người dân.

Qua quá trình khảo sát và tìm hiểu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đoàn đã đưa cây sa nhân tím về trồng thử nghiệm tại đất rừng của 3 hộ dân Trần Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Hòa, Trần Trọng Bình trên địa bàn xã Sơn Kim 1 với số lượng 800 cây trên tổng diện tích gần 1.000m2. Theo đánh giá ban đầu, cây sa nhân khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, tỷ lệ cây mẹ sống cao, có nhiều cây con.

Ông Trần Ngọc Lâm ở xóm Khe 5, Sơn Kim 1, một trong 3 hộ tham gia trồng sa nhân tím, cho biết: “Tôi rất hy vọng ở loại cây này. Tuy mới trồng thử nghiệm nhưng cây phát triển khá tốt theo từng khóm, đẻ nhiều nhánh, không tốn công chăm sóc và không có sâu bệnh. Qua quan sát, tôi thấy sa nhân tím ưa bóng râm, thích hợp với đất rừng chỗ khe suối có độ ẩm cao”.

Ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân tím còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng vì cây này chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật  đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Đại diện MLĐR, ông Trần Trọng Bình, một trong  ba hộ trồng thử nghiệm sa nhân tím, chia sẻ: “Trong rừng tôi trồng nhiều loại cây ngắn ngày và cho hiệu quả kinh tế khả quan. Riêng với sa nhân tím, tuy mới trồng thử nghiệm nhưng tôi thấy cây phát triển tốt lại không mất nhiều công chăm sóc. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích loại cây này”.

Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, cây sa nhân tím tỏ ra thích nghi với đất Hương Sơn, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng diện tích đất rừng để trồng sa nhân tím là hướng mở cho người dân Hương Sơn, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ màu xanh của rừng.

Nguồn: 2lua.vn

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version