Việc ứng dụng, thực hành bộ tiêu chuẩn VietGAP không chỉ khẳng định về chất lượng của thủy sản, mà còn xây dựng lòng tin cho thương hiệu thủy sản VN
Các kết quả điều tra ở các vùng nuôi thủy sản, đặc biệt là các vùng nuôi có diện tích tập trung cũng đã bộc lộ: khi diện tích của vùng nuôi chưa lớn, mật độ thả nuôi chưa cao, người dân còn có thu nhập. Nhưng, khi diện tích vùng nuôi tăng lên, mật độ thả nuôi cao hơn, người dân sẽ phải đối đầu với nhiều nguy cơ bất khả kháng, dẫn đến phá sản, phải treo ao, treo hầm, giã từ nghề nuôi. Hơn nữa, “được mùa rớt giá, được giá rớt mùa” là điệp khúc năm nào người nuôi cũng được nghe đi, nghe lại.
Theo kết quả nghiên cứu, tổng kết nhiều năm, cũng như các kết quả điều tra xã hội về nghề nuôi cho thấy các khó khăn của nghề nuôi được phân thành ba nhóm chính liên quan đến yếu tố: môi trường, kinh tế, xã hội và được cụ thể hóa trong các hoạt động sản xuất, cung cấp, ương nuôi con giống, kỹ thuật quản lý, chăm sóc, vận chuyển… Trong thực tế, ở mỗi khâu quản lý, chăm sóc điều có những đòi hỏi áp dụng những kỹ thuật chuyên biệt cho từng giai đoạn nuôi.
Nắm bắt được những nhu cầu cấp thiết trong công tác quản lý của nghề nuôi, nhiều tổ chức quốc tếnhư: GlobalGAP, ASC, BAP, AseanGAP… đã nhanh chóng giới thiệu, triển khai và cấp chứng nhận cho việc ứng dụng các bộ tiêu chuẩn nuôi. Mặc dù, các bộ tiêu chuẩn này đều dựa trên tiêu chuẩn NTTS bền vững của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), nhưng mỗi một hệ thống chứng nhận lại có những quy định thực hành nhằm gây hiệu quả tác động đến các nhà nhập khẩu, hoặc nhu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng ở những khu vực đặc thù. Từ đó, dẫn đến việc mỗi thị trường lại có yêu cầu chứng nhận khác nhau. Chẳng hạn, người tiêu dùng ở châu Âu yêu cầu sản phẩm phải được chứng nhận của GlobalGAP, trong khi, người tiêu dùng ở thị trường Mỹ chỉ biết và quan tâm đến BAP.
Việc có quá nhiều bộ tiêu chuẩn không chỉ gây bối rối cho người nuôi, mà ngay cả những người làm công tác quản lý cũng cảm thấy lúng túng trong việc hướng dẫn, định hướng người nuôi nên áp dụng bộ tiêu chuẩn nào cho hiệu quả. Thực sự, đối với người nuôi, họ sẵn sàng ứng dụng mọi tiêu chuẩn, miễn là làm sao giải quyết được đầu ra cho sản phẩm của họ và đặc biệt, sản phẩm thực hiện theo các tiêu chuẩn phải được thị trường chấp nhận. Việc ban hành áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy, được xem là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của nghề nuôi, giúp nghề nuôi phát triển bền vững, đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh việc xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP, Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất lộ trình phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 30% cơ sở nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh, các mô hình nuôi cải tiến đạt chứng nhận VietGAP và đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 80%. Trong quá trình triển khai các Quyết định của Bộ NN&PTNT, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã phối hợp với Tổng Cục Thủy sản soạn thảo các “Bài giảng về Quy phạm thực hành NTTS tốt tại Việt Nam – VietGAP” và đã tổ chức nhiều khóa đào tạo giảng viên VietGAP, cũng như giới thiệu, hướng dẫn Quy phạm VietGAP cho người nuôi thủy sản trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, VINAFIS cũng nhận thấy, để có thể có một cái nhìn toàn diện về thực trạng ứng dụng cũng như tiềm năng ứng dụng của bộ tiêu chuẩn VietGAP trong NTTS tại Việt Nam, những người làm công tác quản lý cần phải có những nghiên cứu, tổng kết, đánh giá việc ứng dụng, nhằm giảm thiểu những khó khăn về đầu ra cũng như những gánh nặng về tài chính cho người nuôi. Hơn nữa, công tác đánh giá phải xác định cho được các mối tương đồng, tương quan của các bộ tiêu chuẩn, khả năng chia sẻ thị trường, khả năng phối hợp và công nhận lẫn nhau giữa các bộ tiêu chuẩn.
Từ cách tiếp cận và đặt vấn đề như vậy, để nâng cao, tuyên truyền, quảng bá việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP trong NTTS, không chỉ cho người nuôi mà cho cả các nhà quản lý, VINAFIS đã đề xuất tổ chức hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững”.
Hội thảo được Tổ chức OXFAM NOVIB tài trợ và sự phối hợp thực hiện của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển & Phát triển Cộng đồng (MCD). Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của hơn 130 đại biểu tham dự đến từ các Cục, Vụ, Viện… thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT, Chi Cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến ngư, Hội Nghề cá, Hội Thủy sản của các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở vào, các Trường Đại học, các Tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp chế biến, NTTS… Hội thảo cũng đã nhận được sự quan tâm, tham dự và đưa tin của các báo, đài trung ương và địa phương.
Mục tiêu của hội thảo là trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng các bộ tiêu chuẩn đang được thực hành trong NTTS tại Việt Nam. Trong đó, có đánh giá về thực trạng ứng dụng VietGAP trong NTTS. Do đặc thù của nghề nuôi, phần lớn các vùng nuôi tôm phân bố tại các vùng ven biển, trong đó có các vùng rừng ngập mặn. Do vậy, trong bối cảnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các thảo luận liên quan đến hiệu quả của việc ứng dụng VietGAP trong nghề nuôi tôm ở Việt Nam đã được đặt lên hàng đầu.
Một trong những trọng tâm thảo luận mà hội thảo hướng đến là: (1) Mối tương quan, tương đồng, cũng như khả năng chia sẻ, tiếp nhận VietGAP đối với các bộ tiêu chuẩn khác ở thị trường trong và ngoài nước; (2) Khả năng ứng dụng VietGAP trong các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ; (3) Vai trò của các Tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) và các thành phần kinh tế khác trong việc hỗ trợ và thúc đẩy việc ứng dụng VietGAP trong phát triển NTTS, đặc biệt là nuôi tôm bền vững ở Việt Nam.
Qua các phát biểu, tham luận của các đại biểu đã cho thấy, các khó khăn đến từ nhiều nguồn và tác động không chỉ với người nuôi, mà còn tác động đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, đến công tác quản lý tại các địa phương… Ngay cả những người làm công tác huấn luyện đào tạo giảng viên, những người làm công tác đánh giá VietGAP cũng đã gặp phải không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện việc hướng dẫn, thực hành VietGAP.
Các khó khăn đã làm cho các doanh nghiệp, các hộ nuôi phải đầu tư thêm thời gian, tiền bạc, công sức làm cho giá đầu vào tăng cao. Mặc dù vậy, khi người nuôi đã có sản phẩm tốt hơn, sạch hơn, việc tìm kiếm nơi tiêu thụ cũng không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, các đại biểu đều nhấn mạnh và khẳng định rằng, việc áp dụng và thực hành VietGAP đã giúp người nuôi tiết kiệm được một số khâu trong quản lý như: thức ăn, lao động, dịch bệnh, môi trường nuôi sạch hơn…; Điều quan trọng nhất là, giúp họ tránh được nhiều rủi ro và có sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn.
Từ kinh nghiệm thực tế, các đại biểu cũng đề xuất việc ứng dụng. thực hành VietGAP phải là chỉ tiêu có tính pháp lệnh nhằm tránh những cạnh tranh không lành mạnh, hoặc không đáng có ở thị trường tiêu thụ giữa các hộ nuôi đã ứng dụng thực hành VietGAP và các hộ nuôi chưa, hoặc chưa có điều kiện thực hành VietGAP.
Một trong những băn khoăn mà các đại biểu nêu ra và được thảo luận đó là làm sao có thể giúp các hộ nuôi nhỏ lẻ có điều kiện tham gia ứng dụng, thực hành VietGAP. Sự liên kết chuỗi giữa người nuôi, vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến. Một số chỉ tiêu cần được gom lại, hoặc đơn giản hơn, trong khi, một số chỉ tiêu cần được chi tiết hơn, cụ thể hơn. Các đại biểu đã đề xuất cần phải bổ sung, xây dựng nhằm phân định những chỉ tiêu cho sản xuất các sản phẩm tiêu thụ nội địa và những sản phẩm được sản xuất dành cho thị trường xuất khẩu.
Từ những ý kiến đóng góp hết sức thẳng thắn, mang tính xây dựng của các đại biểu tham dự hội thảo, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch VINAFIS đã nhấn mạnh:
– Việc ban hành bộ tiêu chuẩn VietGAP của Bộ NN&PTNT là rất đúng đắn, kịp thời. Hơn nữa, việc ban hành này không những chỉ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động NTTS, mà còn khẳng định vai trò, vị thế cũng như trình độ của NTTS của Việt Nam ở trong khu vực.
– Việc ứng dụng, thực hành VietGAP cũng để khẳng định với thế giới rằng các sản phẩm NTTS của Việt Nam vệ sinh, an toàn cả về sinh thái, môi trường, kinh tế, xã hội cũng như bảo đảm tính nhân văn trong từng sản phẩm.
– Bộ tiêu chuẩn VietGAP, vì thế, cần phải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với những yêu cầu của nhà nhập khẩu, cũng như tiêu dùng ở thị trường cả trong và ngoài nước. Cần phải xây dựng lộ trình cũng như tiêu chuẩn cụ thể, thích hợp cho những vùng sản xuất và phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng.
– Việc ứng dụng, thực hành bộ tiêu chuẩn VietGAP không chỉ nhằm khẳng định về chất lượng của thủy sản Việt Nam, mà còn xây dựng lòng tin cho thương hiệu, sản phẩm thủy sản Việt Nam. Do đó, phải có sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị sản xuất.
– Muốn làm được những điều trên, chúng ta cần phải tổ chức lại sản xuất nhằm phát huy có hiệu quả trong việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP vì một nghề cả phát triển bền vững.
Hội thảo cũng đã dành thời gian để trao đổi, thảo luận về vai trò của các tổ chức phi Chính phủ trong việc hỗ trợ các hoạt động NTST với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường vùng ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu… Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá cao sự tham gia, hỗ trợ thực hiện của SNV, MCD. Ngay trong hội thảo, đại diện của hai đơn vị này cho biết sẽ hợp tác VINAFIS trong việc thiết kế, xây dựng và tổ chức những hoạt động tương tự trong tương lai.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Hội Nghề cá Việt Nam