Site icon Nuoitrong123

Bài thuốc chữa bệnh của cây rau Đắng biển

Bài thuốc chữa bệnh của cây rau Đắng biển - rau dang bien

Rau Đắng biển có chứa hoạt chất saponin gồm bacosid A và B, có tác dụng gia tăng tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động ở hệ thần kinh, chống oxy hóa tế bào não, giúp tăng cường sự tỉnh táo và nhận thức của não bộ.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh trong cây rau đắng biển còn chứa một alkaloid tên gọi là brahmin (có tác dụng gần giống strychnin nhưng ít độc tính hơn), ngoài ra còn alkaloid khác như herpestin, bacosid A và B, monnierin, hersaponin, acid betulic, đường d–mannitol…

Rau đắng biển (Bacopa monnieri, thuộc họ Scrophulariaceae) thường sinh sản mạnh trong khu vực đầm lầy trên khắp các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Trung Quốc, Đài Loan, nó cũng được tìm thấy ở Florida, Hawaii và các tiểu bang miền Nam khác của Hoa Kỳ. Riêng ở nước ta, cây mọc ở khắp các vùng đồng bằng và trung du miền Bắc và miền Nam, nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Rau đắng biển là loài cây thân thảo, sống dai, mọc bò. Các cành mọc đứng, nhưng mảnh mai, thân nhẵn không lông, khi ăn thường cắt ngang thân, thân mang những lá dày, mọng nước, màu xanh đậm, tươi tốt quanh năm.

Trong dân gian rau đắng biển được dùng như sau: ăn sống, dùng riêng hoặc trộn chung các loại rau sống khác, giá sống… để làm rau ghém. Rau đắng biển luộc, ăn rau luộc ít đắng hơn vì chất đắng bị loại bớt do tan trong nước. Rau đắng biển luộc chấm với thịt kho, cá kho, tương, chao, mắm kho, mắm ruốc, mắm kho quẹt… Rau đắng biển xào với nước cốt dừa tôm, thịt rất ngon hoặc nấu canh với thịt, cá, tôm, cua, ếch, ăn để chống suy dinh dưỡng.

Vị thuốc chữa bệnh của cây rau đắng biển

Theo y học Vệ đà (Ayurveda) của Ấn Độ, loài cỏ này có tác dụng giúp tăng trí nhớ (phòng bệnh Alzheimer), giảm sự mệt mỏi về tinh thần (trầm cảm), chữa bệnh động kinh, hen suyễn, tắt tiếng, một số bệnh về đường ruột, trị rắn cắn… Ở Sri Lanca dùng làm thuốc xổ, nấu nước rửa chữa bệnh nhọt độc sưng ngoài da như bệnh da voi.

Nghiên cứu gần đây cho thấy chiết xuất của cây rau đắng biển giúp nâng cao năng lực bộ nhớ, cải thiện hoạt động trí tuệ, giảm đau, kháng viêm, ức chế tế bào ung thư, cho hội chứng ruột kích thích, cho bệnh nhân Alzheimer, những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ…

Theo các tài liệu y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng biển có tính mát, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu tiêu thũng, thường dùng trong các bệnh như kiết lỵ, đau mắt đỏ, viêm gan, hen suyễn, suy nhược thần kinh, động kinh, còn dùng khai vị kích thích, chống táo bón, dùng ngoài chữa ghẻ lở, mụn nhọt.

Y học chưa nhận thấy độc tính của rau đắng biển. Một số tác dụng phụ là gây khô miệng, khát nước, mệt mỏi và buồn nôn.

Cần lưu ý khi ăn rau đắng biển:

Người bị bệnh tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn nhiều rau này, vì có thể gây ra nhịp tim không đều; với bệnh tiểu đường, có thể ảnh hưởng đến đường huyết và nồng độ insulin trong máu. Người đang dùng thuốc chống đông máu không nên dùng rau đắng biển trước khi chuẩn bị phẫu thuật hoặc nhổ răng. Những người đang dùng thuốc chống trầm cảm sertralin (tên biệt dược Zoloft hoặc Lustral) cũng không nên dùng rau đắng biển. Người đang dùng thuốc trị bệnh tuyến giáp hoặc thuốc chẹn calci cũng không nên ăn rau đắng biển.

Thuở sinh thời ông nội tôi rất thích ăn món cháo cá rau đắng. Vì vậy mỗi năm đến ngày giỗ ông nội, ba tôi thường nấu món cháo cá lóc và ra sau hè để hái rau đắng đất. Cho dù bây giờ ở thành phố nhưng bằng mọi giá ba tôi cũng đi tìm mua cho được loại rau đắng này để cúng giỗ ông. Khi còn nhỏ tôi chỉ biết là loại rau này rất đắng, lá nhỏ mọc nhiều dưới đất, dân Gò Công chúng tôi thường gọi là rau đắng đất. Nhưng về mặt thực vật dược, ngoài loại rau đắng đất mọc “sau hè” còn có một loại nữa lá to và mọng nước hơn, gọi là rau đắng biển. Cả 2 loại rau đắng đều được ăn cùng món cháo cá lóc hoặc cá kèo, cũng là đặc sản của người dân Nam bộ.

DS. Lê Kim Phụng (Trường đại học y dược TP.HCM)-khoahocphothong.com.vn

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version