Rau đắng đất (tên khoa học Glinus oppositifolius, thuộc họ Molluginaceae), còn gọi là rau đắng lá vòng, trúc tiết thảo… mọc hoang trên các vùng đất khô cạnh bãi sông, ven biển, nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong y học cổ truyền, rau đắng đất có vị đắng, tính mát, dùng trị kinh phong, nhuận gan, thông tiểu. Rau đắng đất thường được dùng để chữa các bệnh về gan như viêm gan vàng da, nổi mề đay, sốt nóng trong người (thêm dây cứt quạ đồng lượng, sắc uống). Dùng dịch lá cây để đắp trị bệnh ngoài da và ghẻ ngứa.
Trong họ rau đắng, ngon nhất là rau đắng đất. Rau đắng đất dùng nấu canh (với cá, tôm, cua, thịt bằm… rất bổ dưỡng) hoặc ăn sống (làm rau ghém ăn sống với nhiều rau rừng khác; có thể ăn với cháo cá, mắm kho).
Rau đắng biển (tên khoa học Bacopa monnieri, thuộc họ Scrophulariaceae) thường sinh sản mạnh trong khu vực đầm lầy trên khắp châu Á, nó cũng được tìm thấy ở Florida, Hawaii và các tiểu bang miền Nam của Hoa Kỳ. Riêng nước ta, cây mọc nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong dân gian rau đắng biển được dùng: ăn sống, dùng riêng hoặc trộn chung các loại rau sống khác, giá sống… để làm rau ghém. Rau đắng biển luộc, ăn rau luộc ít đắng hơn vì chất đắng bị loại bớt do tan trong nước. Rau đắng biển luộc chấm với thịt kho, cá kho, tương, chao, mắm kho, mắm ruốc, mắm kho quẹt… Rau đắng biển xào với nước cốt dừa tôm, thịt rất ngon hoặc nấu canh với thịt, cá, tôm, cua, ếch, ăn để chống suy dinh dưỡng.
Theo các tài liệu y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng biển có tính mát, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu tiêu thũng, thường dùng trong các bệnh như kiết lỵ, đau mắt đỏ, viêm gan, hen suyễn, suy nhược thần kinh, động kinh, còn dùng khai vị kích thích, chống táo bón, dùng ngoài chữa ghẻ lở, mụn nhọt. Nghiên cứu gần đây cho thấy chiết xuất của cây rau đắng biển giúp nâng cao năng lực bộ nhớ, cải thiện hoạt động trí tuệ, giảm đau, kháng viêm, ức chế tế bào ung thư, trị hội chứng ruột kích thích, tốt cho bệnh nhân Alzheimer, những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ…
Y học chưa tìm thấy độc tính của rau đắng. Một số tác dụng phụ là gây khô miệng, khát nước, mệt mỏi và buồn nôn. Dù vậy cần lưu ý: người bị bệnh tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn nhiều loại rau này vì có thể gây nhịp tim không đều; với bệnh tiểu đường, có thể ảnh hưởng đến đường huyết và nồng độ insulin trong máu. Người đang dùng thuốc chống đông máu không nên dùng rau đắng biển trước khi chuẩn bị phẫu thuật hoặc nhổ răng. Người đang dùng thuốc chống trầm cảm sertralin (tên biệt dược Zoloft hoặc Lustral), người đang dùng thuốc trị bệnh tuyến giáp hoặc thuốc chẹn calci cũng không nên ăn rau đắng biển.
DS LÊ KIM PHỤNG