Site icon Nuoitrong123

Bệnh thiếu Vitamin C của động vật thủy sản

Khi giáp xác thiếu vitamin C thường thể hiện các vùng cơ màu đen dưới lớp vỏ kitin ở mặt lưng của phần bụng, ở các chân bơi, chân bò và các vệt đen trên mang tôm. Các vết đen có thể xuất hiện ở dạ dày, ruột. Tôm bị bệnh thể hiện sự bỏ ăn, hay kém ăn, khả năng chịu sốc giảm sút, mẫn cảm hơn với các loại mầm bệnh thứ cấp khác nhau, khả năng tái tạo vết thương giảm nên quá trình hồi phục chậm lại. Sandnes, 1991 đã chứng minh vai trò của vitamin C trong tổng hợp collagen ở tôm P.calliformiensis và kết quả nghiên cứu cho thấy nếu thiếu vitamin C thì lượng Procollagen không được tạo ra đầy đủ, nên tôm nuôi chậm lớn và gây bệnh chết đen.

Khi cá nuôi bị thiếu vitamin C thường thể hiện một số dấu hiệu như: các dạng dị tật xương sống, tật ưỡn lưng và hiện tượng xuất huyết ở gốc vây, ở xung quang miệng và mắt của cá, màu sắc cơ thể chuyển sang màu đen tối. Cá bị bệnh cũng giảm sinh trưởng và khả năng chống chịu sốc và sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh

Bệnh thiếu vitamin C thường xảy ra trong các hệ thống nuôi tôm cá thâm canh, đặc biệt nuôi trong điều kiện tảo có thành phần loài hoặc số lượng nghèo nàn. Lightner và ctv, 1989 đã phát hiện bệnh chết đen ở một số loài tôm he châu Mỹ: P.calliforniensis, P. stylirostris.P.aztecus. Lavilla -pitogo, 1994 đã phát hiện bệnh này ở tôm sú (P.monodon) nuôi ở Philippine và Heinen đã phát hiện ở tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergi).

Trên cá nuôi, đã có rất nhiều các thông báo khác nhau về bệnh thiếu vitamin ở cá: Dabrowkssi 1988 đã phát hiện bệnh ưỡn lưng của cá chép (Cyprinus carpio); Coustans và ctv, 1990 đã phát hiện bệnh ưỡn lưng ở cá bơn (Scophthalmus maxinnus); Lin,1991 đã phát hiện bệnh xuất huyết vây và mắt cá trắm cỏ do thiếu vitamin C; Stikncy và ctv, 1984 đã phát hiện bệnh ưỡn lưng ở cá rô phi xanh (Tilapia aurea). Gần đây, 2001, một số tác giả đã phát hiện bệnh thiếu vitamin C ở loài cá mú (Cromileptes altivelis) nuôi ở Indonesia, sau một thời gian cho ăn thức ăn tổng hợp không có bổ sung vitamin, cá bị bệnh có sự biến dạng của cột sống làm cá có dấu hiệu ưỡn lưng, bụng cá hóp lại. bệnh này có thể gây chết rải rác (Isti Koesharyani và ctv)

Để phòng bệnh, trong nuôi trồng thủy sản cần bổ sung một lượng vitamin C thích hợp cho từng đối tượng nuôi, tùy theo loại thức ăn dùng, đặc biệt trong trường hợp dùng thức ăn tổng hợp để nuôi tôm cá. Mặc dù trong thành phần thức ăn tổng hợp đã có một lượng vitamin tổng hợp, nhưng trong quá trình chế biến và bảo quản, vitamin C đã bị thất thoát rất nhiều, do vậy nếu không bổ sung, có thể vật nuôi sẽ xuất hiện bệnh lý đã nói ở trên. Đặc biệt cần lưu ý khi nuôi ĐVTS trong môi trường thiếu tảo.

Lượng vitamin C cần bổ sung cho ĐVTS rất khác nhau tùy theo từng đối tượng nuôi và từng loại vitaminC. Để nuôi tôm sú phòng tránh bệnh chết đen và tăng sức đề kháng của tôm cần bổ sung 2000-3000mg (loại acide ascorbic)/ kg thức ăn cơ bản, nhưng chỉ cần dùng 157mg (loại Ascorbyl -2 sulphate)/ kg thức ăn và 40 mg (loại Ascorbyl -2 Monophosphate)/kg thức ăn.

Nếu tính hàm lượng vitamin C hoạt tính, thì đối với giai đoạn tôm giống của tôm sú (P. monodon) cần 100-200 mg/kg thức ăn; Tôm he Nhật Bản (P.japonicus) cần 99mg/kg thức ăn (Shigueno,1988) ; Tôm he chân trắng (P. vannamei) cần 120 mg/kg thức ăn ( He và Lowrence, 1993); Tôm càng xanh (Macrobranchium rosenbergii) cần 100 mg/ kg thức ăn (Abramo và ctv, 1994). Đối với các loài cá nuôi, nhu cầu vitamin cũng khác nhau tùy theo loài: Cá rô phi xanh (Tilapia aurea) cần 50mg loại có vỏ bao/kg thức ăn; Cá chép (Cyprinus capio) cần 45 mg loại có vỏ bao/kg thức ăn; Cá rô phi lai (Tilapia nilotica) cần 79 mg loại Ascorbyl Monophosphate /kg thức ăn.

Nguồn: tổng hợp

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version