Lưu ý độ trong, độ đục ao nuôi thủy sản

So với các chỉ tiêu môi trường khác, độ trong, độ đục không ảnh hưởng một cách trực tiếp và tức thì đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nuôi mà tác động một cách âm thầm…

Lưu ý độ trong, độ đục ao nuôi thủy sản - images612304 img 2036

Đa phần người nuôi thủy sản thường quan tâm nhiều đến các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, nhiệt độ, NH3… bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thủy sản và dễ dàng kiểm tra bằng các bộ test chuyên dụng.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố không kém quan trọng cần được kiểm soát đó là độ trong và độ đục của ao nuôi.

So với các chỉ tiêu môi trường khác, độ trong, độ đục không ảnh hưởng một cách trực tiếp và tức thì đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nuôi mà tác động một cách âm thầm, diễn biến chậm, người nuôi khó nhận biết được.

+ Về tính chất, nguồn gốc: Độ đục là khả năng cản những tia nắng mặt trời và độ trong của nước là khả năng cho ánh sáng xuyên qua nước. Hai tính chất này của nước tỷ lệ nghịch với nhau và phụ thuộc vào lượng keo khoáng, vật chất hữu cơ lơ lửng, sự phát triển của các vi tảo và lượng nước mưa đổ vào trong ao.

Ở những ao nuôi khác nhau có vị trí, nguồn nước cấp, đối tượng nuôi khác nhau thì độ đục sẽ khác nhau.

Trong ao nuôi, độ đục của nước là do sự có mặt của các chất không hòa tan như phù sa (từ nguồn cấp nước), các chất keo có nguồn gốc vô cơ (do nước mưa rửa trôi từ bờ ao) và một số chất lơ lửng nền đáy được tạo ra do sự chuyển động của dòng nước và cá, tôm.

Ngoài ra, độ đục còn do vật chất hữu cơ từ phân bón, thức ăn dư thừa và sự phát triển của tảo.

+ Về ảnh hưởng: Khi độ trong thấp (độ đục cao), lượng ánh sáng thâm nhập vào thủy vực ít, cường độ quang hợp của thực vật phù du giảm.

Đối với cá, khi độ đục quá cao, cá khó hô hấp do lượng phù sa lắng tụ trên nền đáy, bao phủ trên mang cá gây cản trở hô hấp, cường độ bắt mồi giảm. Cá sẽ bị thiếu oxy và nổi đầu vào lúc sáng sớm.

Ngược lại, nếu độ trong quá cao, nước nghèo dinh dưỡng, sinh vật phù du phát triển kém, hạn chế thành phần thức ăn tự nhiên của cá, năng suất cá nuôi giảm. Đối với các ao nuôi có nước quá trong sẽ làm cá nuôi trở nên nhạy cảm, sợ và bỏ ăn.

Nếu ao nuôi được quản lý tốt sẽ ít biến động các chỉ tiêu môi trường, các loài tôm, cá không bị stress, ít dịch bệnh, góp phần tăng năng suất và hạ giá thành SX, bà con sẽ đỡ tốn kém chi phí, thời gian mà vẫn thu được lợi nhuận.

Đặc biệt, đối với các ao ương giống nếu có độ trong cao sẽ làm giảm tỷ lệ sống khi ương một cách đáng kể do thiếu hụt lượng thức ăn tự nhiên. Độ trong thích hợp cho các ao nuôi cá là từ 20 – 30 cm, đối với các ao nuôi tôm là 30 – 45 cm.

Có thể kiểm tra độ trong của ao nuôi bằng cách đơn giản là cho cánh tay xuống ao, sao cho nước ngập đến khuỷu tay và quan sát, nếu chúng ta không nhìn thấy bàn tay là được.

Nếu độ đục nước ao cao, phương pháp đơn giản nhất là thay nước. Tuy nhiên cần lực chọn thời điểm cấp nước vào lúc nước sông đang lớn (nước rong) và tránh thời điểm trước khi lũ về, vì giai đoạn này lượng phù sa ở sông rất cao.

Ngoài ra, người nuôi còn có thể là giảm độ đục trong ao bằng cách sử dụng các loại muối vô cơ (Al2 (SO4)3 ) tạo kết tủa và lắng tụ các chất lơ lửng trong nước ao.

Ngược lại, nếu độ trong của nước quá cao, người nuôi cần kết hợp kiểm tra pH. Nếu pH thấp thì phải bón thêm vôi, kết hợp bón phân và sử dụng các loại hóa chất gây màu nước nhằm cung cấp chất dinh dưỡng, kích thích tảo phát triển làm giảm độ trong của nước ao.

Tuy là một yếu tố có ảnh hưởng gián tiếp, nhưng nếu người nuôi không quan tâm đúng mức, nước ao nuôi dù trong quá hay đục quá cũng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nuôi.

Tốt nhất là nên giữ nước ao nuôi có màu xanh đọt chuối non, đây là màu đặc trưng của tảo lục, rất thích hợp cho sự phát triển của tôm, cá.

Nguồn: NNVN

Thảo luận cho bài: Lưu ý độ trong, độ đục ao nuôi thủy sản

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *