Hiện nay, trên thị trường cá cảnh tại TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều chủng loại, trong đó cá chép Nhật là một trong những đối tượng được người chơi cá cảnh quan tâm, bên cạnh mặt độc đáo về màu sắc, hình dáng thì nó còn được xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Những loài cá đang được ưa chuộng như: Chép Koi, Koi bướm (chép Nhật đuôi bướm, chép vây dài, chép rồng). Trong thực tế cá Koi được bán trong nước có khoảng cách chất lượng khá xa so với tiêu chuẩn chung của cá Koi vì các nghệ nhân chưa làm chủ công nghệ di truyền và chọn lọc kiểu hình để sản xuất các dòng cá Koi có chất lượng màu sắc đẹp và ổn định.
1 Phân bố
Cá Chép có phân bố tự nhiên ở cả châu Âu và châu Á.
2. Phân loại
Theo Mills, 1993 cá chép Nhật được phân loại như sau:
– Bộ Cypriniformes (Bộ cá chép)
– Họ Cyprinidae (Họ cá chép)
– Giống Cyprinius
– Loài Cyprinus sp.
– Tên gọi:
+ Tên tiếng Việt:
. Chép; Chép thường;
. Chép koi; Chép nhật; Koi
. Koi bướm; Chép Nhật đuôi bướm; Chép vây dài; Chép rồng
+ Tên tiếng Anh: Ornamental common carp; Koi; Nishikigoi.
3. Đặc điểm sinh thái
Cá chép Nhật sống ở vùng nước ngọt, ngoài ra còn có thể sống trong môi trường nước có độ mặn đến 6‰.
– Hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5mg/l.
– Độ pH = 4 – 9, (thích hợp nhất: pH = 7 – 8).
– Nhiệt độ nước: 20 – 27 độ C.
4. Hình dạng bên ngoài
– Đặc điểm chung của chép Nhật là có nhiều màu sắc đẹp phối hợp từ các màu cơ bản như: trắng, đỏ, đen, vàng, cam. Theo kết quả khảo sát kiểu hình cá chép Nhật sản xuất trong nước của Đỗ Việt Nam (2006) và Trần Bùi Thị Ngọc Lê (2008) đã thống kê khoảng 36 dạng kiểu hình, tuy nhiên nhiều kiểu hình trong số này có tần số xuất hiện rất thấp.
– Cách gọi tên cá chép Nhật, cá Koi trên thị trường dựa vào màu sắc, hoa văn trên thân và kiểu vây đuôi (ví dụ: cá chép Cam đuôi dài, cá chép 3 màu đuôi ngắn, cá chép trắng đỏ đuôi dài).
– Hiện nay, cá chép có 2 nhóm chính:
+ Cá chép đuôi dài: gọi là chép Nhật.
+ Cá chép đuôi ngắn: gọi là chép Koi.
5. Đặc điểm dinh dưỡng
– Cá chép Nhật là loài cá ăn tạp, cá 03 ngày tuổi tiêu hết noãn hoàng và bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài như: Bo bo và các loài động phiêu sinh khác, cũng có thể ăn lòng đỏ trứng chín.
– Cá được 15 ngày tuổi bắt đầu chuyển tính ăn, ăn động vật đáy do đó trong giai đoạn này tỉ lệ sống bị ảnh hưởng lớn. Trong điều kiện nuôi, chúng ta phải cung cấp thức ăn bên ngoài như trùn chỉ, cung quăng, hoặc gây nuôi các động vật phiêu sinh và động vật đáy để có thể cung cấp tốt nguồn thức ăn tự nhiên cho cá,… Nguồn thức ăn tự nhiên trong giai đoạn này có vai trò quyết định đến tỉ lệ sống của cá.
– Cá khoảng một tháng tuổi trở đi ăn thức ăn giống như cá trưởng thành, ăn tạp thiên về động vật như giun, ốc, trai, ấu trùng, côn trùng. Cá còn ăn phân xanh, cám, bã đậu, thóc lép và các loại thức ăn tổng hợp dưới dạng viên hoặc sợi.
6. Đặc điểm sinh trưởng
Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 1 – 2 tháng ương cá đạt chiều dài 3 – 4 cm/con, trong khoảng 6 – 8 tháng nuôi cá đạt 20 – 30 cm/con.
7. Đặc điểm sinh sản
– Tuổi thành thục của cá chép từ 12 tháng đến 18 tháng (trong tự nhiên là 12 tháng còn trong nuôi là 18 tháng).
– Mùa vụ sinh sản chính là mùa mưa nhưng hiện nay do cá chép đã được thuần hóa nên có thể sinh sản tốt quanh năm.
– Tương tự như cá Vàng, cá chép Nhật không chăm sóc trứng và có tập tính ăn trứng sau khi sinh sản.
– Sức sinh sản tương đối thực tế của cá vào khoảng 97.000 trứng/kg trọng lượng cá. Tuy nhiên sức sinh sản này còn tùy thuộc vào điều kiện nuôi, chế độ dinh dưỡng và các yếu tố môi trường khác.
– Thời gian phát triển phôi khoảng 8 – 42 giờ ở nhiệt độ nước 26 – 31 độ C.
– Ngoài tự nhiên: cá đẻ ở vùng nước tù có rễ cây, cỏ thủy sinh, độ sâu khoảng 1 mét. Trong điều kiện nhân tạo: có giá thể là rễ cây lục bình hoặc xơ ny lông, nước trong, sạch và mát, nếu có điều kiện tạo mưa nhân tạo.
– Đặc điểm của trứng: trứng dính, hình tròn, đường kính: 1,2 – 1,3 mm, màu vàng trong, sau khi cá đẻ khoảng từ 36 – 48 giờ ở nhiệt độ 28 – 30 độ C thì trứng sẽ nở.
– Trong điều kiện nuôi ở nước ta, thời gian tái phát dục của cá đực khoảng 15 ngày, của cá cái khoảng 20 – 30 ngày. Thời gian tái phát dục của cá còn tùy thuộc vào bản thân loài và điều kiện sống, mùa vụ, …
Nguồn: kithuatnuoitrong.com