Cá Chạch Lấu

Cá chạch lấu (Mastacembelus favus Hora, 1923) là loài cá nước ngọt thuộc họ cá chạch, phân bố ở vùng Đông Nam Á thuộc hạ lưu sông Mêkông như Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Việt Nam.

Cá Chạch Lấu - vung phan bo ca chach lau
Hình 1. Bản đồ phân bố cá chạch lấu trên thế giới (OBIS, 2008).

– Về phân loại, theo tài liệu gần đây nhất của Ủy Hội sông Mê kông xuất bản năm 2008 (tác giả Chavalit Vithayanon) [28] họ Synbrachidae ở châu thổ sông Mekong (Mekong Delta) trong đó có Đồng bằng sông Cửu long của Việt Nam hiện có 9 loài.

– Phân lọai cá chạch lấu như sau:
+ Bộ: Synbranchiformes
+ Họ: Synbranchidae
+ Giống: Mastacembelus
+ Loài: Mastacembelus favus Hora, 1923.

– Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt nam, hiện diện cả 3 loài thuộc giống MastacembelusM. armatus (chạch sông); M. erythrotenia (chạch lửa) và M. favus (chạch lấu). Xem xét về hình dạng, màu sắc và kích thước cơ thể, loài M. armatus rất giống với loài M. favus, nhưng có một số khác biệt cơ bản như ở loài M. favus toàn cơ thể được phủ bởi các vân hình tổ ong màu tối, còn loài M. armatus cơ thể cũng có vân hình tổ ong nhưng chỉ phân bố từ vây lưng đến cơ quan đường bên. Ngoài ra số gai cứng và tia mềm ở các vây của M. favus cũng ít hơn so với của M. armatus.

– Ở Việt Nam và một số nước có cá chạch, các nghiên cứu trước đây chỉ mới dừng lại ở mức độ phân loại và khu vực phân bố (Smith, 1945; Kuronuma, 196;; Taki, 1974; Trương Thủ Khoa, 1982; Mai Đình Yên, 1992; Rainboth, 1996; Chavalit Vithayanon, 2008).

– Trong nhóm lươn và cá lịch, loài lươn (Monopterus albus) ở Trung Quốc và Việt Nam đều đã có những nghiên cứu về sinh học sinh sản, sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

– Cá chạch sông (Macrognathus siamensis), cá chạch khoang (M. circumcintus), cá chạch M. aculeatus cũng đã có những nghiên cứu về sinh học, sinh học sinh sản và sản xuất giống (Nguyễn Quốc Đạt, 2007).

– Cá chạch lấu đã có một số tác giả nghiên cứu về sinh học và sinh sản. Phan Phương Loan, 2010 đã có nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương cá giống thành công (có thể có sự nhầm lẫn, tác giả dùng tên khoa học cá chạch lấu là M. armatus). Ở nghiên cứu này tác giả đã sử dụng kích dục tố não thùy thể và HCG để kích thích cá rụng trứng, trong đó chỉ có HCG có tác dụng và cho kết quả sinh sản tốt nhất. Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Triều cũng đã nghiên cứu và đã đạt một số kết quả về kích thích sinh sản cá chạch lấu. Các tác giả trên đã nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, hình thái, sinh học dinh dưỡng (tính ăn), đặc điểm sinh học sinh sản, nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ và thử nghiệm kích thích sinh sản bằng các loại kích dục tố (HCG, não thùy) và chất kích thích sinh sản (LH-RHa). Tác giả cho biết sử dụng kích dục tố HCG cho kết quả kích thích rụng trứng qua 2 bước: dùng liều sơ bộ thấp 500UI/kg cá cái và sau 48 giờ tiêm liều quyết định 2.000 UI/kg cá cái. Trong khi sử dụng não thùy và chất kích thích sinh sản LH-RHa cho kết quả rụng trứng thấp và không ổn định.

– Thịt cá chạch lấu thơm ngon và có giá trị kinh tế rất cao, cá cỡ 300 – 500 g được bán với giá 180.000 – 200.000 đ/kg. Do tình hình khai thác cá chạch lấu trong tự nhiên quá mức và bằng cả những phương tiện mang tính hủy diệt (dùng điện, hóa chất…) nên sản lượng cá chạch lấu ngoài tự nhiên ngày càng giảm. Đã có một số hộ ngư dân nuôi thương phẩm cá chạch lấu bằng nguồn giống tự nhiên, nhưng sản lượng chưa nhiều do con giống tự nhiên chưa chủ động và kích cỡ thường không đều, tỷ lệ sống trong quá trình nuôi còn chưa ổn định. Xuất phát từ những vấn đề cấp bách trên, việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá chạch lấu là cần thiết nhằm tiến tới hoàn thiện quy trình và chủ động trong sản xuất giống, nâng cao năng suất sinh sản và ương nuôi cá giống, góp phần đẩy mạnh phát triển một đối tượng cá quý hiếm đang tiềm ẩn nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đặc điểm hình thái và giải phẫu hệ tiêu hóa
– Miệng cá chạch lấu có thể co duỗi được, vách miệng kéo dài gần tới mắt. Răng hàm nhỏ, mịn, rải đều trên cả 2 hàm (Hình 3). Lược mang thưa. Thực quản ngắn, mặt trong thực quản có nhiều nếp gấp nên co giãn được. Dạ dày có hình chữ J (Hình 4), kích thước không lớn, vách dày, mặt trong có nhiều nếp gấp. Ruột gấp khúc, và có vách dày.

Cá Chạch Lấu - mieng ca chach lauHình 3. Miệng cá chạch lấu.

Cá Chạch Lấu - ong tieu hoa ca chach lauHình 4. Ống tiêu hóa cá chạch lấu.

– Kết quả giải phẫu trên 72 cá thể thu được từ tự nhiên cho thấy tỉ lệ giữa chiều dài chuẩn với chiều dài cơ thể cá chạch lấu trung bình là 0,38 (Bảng 3.1). Chiều dài và cấu trúc của ruột là những chỉ tiêu dùng để xác định tính ăn của cá. Theo Nikolsky (1963)[13], những loài cá có tính ăn thiên về động vật sẽ có trị số dài ruột/dài thân (Li/Lt) ≤ 1, cá ăn tạp có Li/Lt = 1 – 3 và ăn thiên về thực vật có Li/Lt > 3. Từ đó cho thấy cá chạch lấu là loài ăn động vật điển hình.

Cá Chạch Lấu - chieu dai ong tieu hoa ca chach lau

– Kết quả khảo sát tính ăn của cá chạch lấu là cơ sở cho việc chọn lựa loại thức ăn sử dụng trong quá trình thuần dưỡng, nuôi vỗ thành thục và ương nuôi. Trong quá trình nuôi vỗ chủ yếu dùng thức ăn tươi sống như trùn chỉ và cá tạp. Trong quá trình ương nuôi thì Moina và trùn chỉ được ưu tiên sử dụng.

 Đặc điểm sinh học sinh sản
 Phân biệt giới tính
– Giai đoạn cá chưa thành thục rất khó phân biệt cá chạch lấu đực và cái bằng các chỉ tiêu hình thái. Khi cá thành thục và vào mùa sinh sản thì cá cái thường có chiều dài ngắn hơn cá đực, lỗ sinh dục to, hơi lồi ra ngoài. Cá đực khi thành thục có thân thon, thường dài hơn cá cái, lỗ sinh dục nhỏ, tròn, hơi lõm.

– Kết quả giải phẫu 72 cá thể trong tự nhiên có trọng lượng trung bình 143 g cho thấy có 35 cá cái và 37 cá đực. Như vậy, tỉ lệ đực cái của các mẫu cá thu từ tự nhiên được ghi nhận là tương đương 1:1.

Đặc điểm tuyến sinh dục
a) Sự phát triển tuyến sinh dục (noãn sào) cá cái chạch lấu: được chia làm 6 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn I: Noãn sào là hai sợi rất mảnh, trong suốt, nằm dọc hai bên xương sống, không thể phân biệt noãn sào và tinh sào bằng mắt thường. Trên tiêu bản mô học các noãn nguyên bào phát triển lớn lên và phân chia tạo ra các noãn bào. Các noãn bào có nhiều góc cạnh, kích thước còn rất nhỏ. Tế bào chất bắt màu tím đậm, nhân bắt màu nhạt và trong nhân có một số tiểu hạch bắt màu đậm (Hình 5).

Cá Chạch Lấu - noan bao ca chach lau giai 1

– Giai đoạn II: Noãn sào cũng là hai sợi mảnh, có phân bố các mạch máu nên màu hồng nhạt, dày hơn, nằm dọc hai bên xương sống cá, có thể nhìn thấy những mạch máu nhỏ. Quan sát bằng mắt thường có thể xác định được noãn sào và tinh sào, có thể nhìn thấy rõ tế bào trứng trong noãn sào (Hình 6), kích thước trứng khoảng 0,65 ± 0,07 mm. Trên tiêu bản mô học, noãn bào được bao bọc bởi màng Follicul mỏng, nhiều tổ chức liên kết. Giai đoạn II là sự biến đổi về nhân, nhân to, bắt màu nhạt, chiếm phần lớn thể tích noãn bào và có nhiều tiểu hạch ở vùng ngoại biên tạo thành vòng tròn xung quanh nhân.

Cá Chạch Lấu - noan bao ca chach lau giai 2

– Giai đoạn III: Noãn sào phát triển rất nhanh, chiếm khoảng 1/3 xoang bụng, có màu vàng nhạt. Mạch máu to và có nhiều nhánh phân bố trong noãn sào. Tế bào trứng (noãn bào) màu vàng nhạt, đường kính tế bào trứng tương đối lớn, khoảng 1,33 ± 0,17mm (Hình 7) nhưng còn khó tách rời. Xuất hiện nhiều không bào, có hai lớp, nhân to bắt màu tím nhạt. Noãn hoàng bắt màu hồng, các hạt noãn hoàng to nằm phía ngoài, hạt nhỏ nằm sát nhân.

Cá Chạch Lấu - noan bao ca chach lau giai 3

– Giai đoạn IV: Noãn sào phát triển cực đại, chiếm gần hết xoang bụng, gần như chèn ép ruột và dạ dày. Tế bào trứng căng tròn, màu vàng cam. Mạch máu to chạy dài từ đầu đến cuối noãn sào và lan tỏa nhiều mạch máu nhỏ ra khắp noãn sào. Đường kính trứng đạt kích thước tối đa, dao động trong khoảng 1,96 ± 0,22 mm (Hình 8). Trong noãn sào vẫn còn tồn tại những tế bào trứng ở giai đoạn nhỏ với đường kính nhỏ hơn, Trên tiêu bản mô học, kết thúc thời kỳ sinh trưởng sinh chất, noãn hoàng chứa đầy thể tích của noãn bào và kết thành khối. Nhân co lại, không có hình dạng nhất định, màng nhân gần như không còn, số tiểu hạch trong nhân giảm đi và dịch chuyển vào trung tâm của nhân.

Cá Chạch Lấu - noan bao ca chach lau giai 4

– Giai đoạn V: Giai đoạn chín muồi và rụng trứng, diễn ra rất nhanh. Noãn sào căng, màu vàng nhạt, mềm nhão, đang sẵn sàng cho quá trình rụng trứng. Tế bào trứng có màu vàng trong, căng tròn và đã chảy tự do ra khỏi nang trứng. Nhân của noãn bào đã di chuyển hoàn toàn về cực động vật.

– Giai đoạn VI: Noãn sào sau khi sinh sản, teo nhỏ lại, có màu đỏ bầm, còn một số trứng chưa đẻ hết. Những cá đã qua vụ đẻ nhưng không đẻ được thì buồng trứng vẫn căng nhưng trứng đã thoái hóa, trứng có màu đỏ đậm, hạt trứng dính kết với nhau.

b) Đặc điểm phát triển tuyến sinh dục đực (tinh sào) cá chạch lấu:
– Giai đoạn I: Tinh sào là hai sợi rất mảnh, nằm sát hai bên cột sống, trong suốt, không thể phân biệt được đực, cái bằng mắt thường.

– Giai đoạn II: Tinh sào là hai sợi mảnh, có màu trắng hơi đục, bằng mắt thường không thể nhìn thấy mạch máu phân bố.

– Giai đoạn III: Tinh sào đã phát triển to lên, có màu trắng hơi hồng. Khi vuốt nhẹ vẫn chưa có tinh dịch chảy ra.

– Giai đoạn IV: Tinh sào căng, màu trắng sữa hơi hồng, có rất nhiều mạch máu phân bố, kích thước đạt cực đại, vuốt nhẹ thấy có tinh dịch màu trắng sữa chảy ra.

– Giai đoạn V: Tinh sào to, mềm, màu trắng sữa, tinh dịch chứa đầy trong ống dẫn tinh. Tinh sào sẵn sàng cho quá trình sinh sản, tinh dịch màu trắng sữa chảy ra khi ấn nhẹ vào bụng cá.

– Giai đoạn VI: Tinh sào teo nhỏ lại, mềm nhũn, màu hồng hơi sậm.

 Sức sinh sản tuyệt đối
Kiểm tra 5 cá cái có trọng lượng trung bình 268 ± 57 g cho thấy sức sinh sản tuyệt đối đạt trung bình là 4.158 ± 379 trứng/cá cái, tức là khoảng 15.514 trứng/kg cá cái. Sức sinh sản này là tương đương so với kết quả của các tác giả khác (Nguyễn Văn Triều, 2009; Phan Phương Loan, 2010) [18;11].

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Cá Chạch Lấu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *