Cá ranchu có thân ngắn, tròn và không có vây lưng. Độ rộng thân từ 5/8 – 3/4 chiều dài thân. Sống lưng hơi cong và đột ngột quặp xuống ở gốc đuôi.
1. Nguồn gốc
Cá vàng ranchu có nguồn gốc từ Nhật Bản, và là dòng cá phát triển từ dòng lan thọ. Từ cá lan thọ, các nhà lai tạo Nhật Bản đã lai tạo ra cá ranchu như chúng ta thấy ngày nay. Trong các sách về cá vàng xuất bản ở Mỹ khoảng thời gian từ giữa cho đến cuối thế kỷ 20, lan thọ và ranchu được xem như là một dòng cá. Trên thực tế, ranchu là một dòng cá vàng hoàn toàn khác biệt với lan thọ.
Giống như lan thọ, cá vàng ranchu cũng không có vây lưng và có bướu trên đầu. Ranchu khác với lan thọ ở chỗ bướu trên đầu phát triển vừa phải và phần lưng ở gốc đuôi cong hơn. Hơn nữa, thân hình cá ranchu không thẳng mà tròn trịa hơn so với lan thọ. Sau cùng, bướu ở ranchu tuy không to bằng lan thọ nhưng lại được người Nhật phát triển theo một tiêu chuẩn nhất định, khiến đầu ranchu có hình dạng rất đặc trưng.
Ở Nhật Bản, có nhiều nhóm phát triển và lai tạo cá ranchu nhưng thành viên rất chọn lọc và chỉ được gia nhập thông qua hình thức giới thiệu. Tất cả mọi thành viên sẽ bầu chọn thành viên mới và chỉ cần một phiếu chống trong vài trăm thành viên cũng đủ ngăn cản thành viên mới nhập hội. Cá ranchu được xem là đỉnh cao của nghệ thuật nuôi dưỡng cá vàng ở Nhật Bản. Ranchu được xem là dòng cá quý, vừa thanh lịch vừa mạnh mẽ.
2. Đặc điểm hình thái
Cá ranchu có thân ngắn, tròn và không có vây lưng. Độ rộng thân từ 5/8 – 3/4 chiều dài thân. Sống lưng hơi cong và đột ngột quặp xuống ở gốc đuôi. Khi quan sát từ bên trên, sống lưng và gốc đuôi phải thật to và gốc đuôi không nên quá dài. Nếu đuôi là dạng đuôi kép thì các phần đuôi phải tách biệt trên 25%, bằng không phải hoàn toàn dính liền. Chiều dài đuôi bằng 1/4 đến 3/8 chiều dài thân, các thùy đuôi phải tròn và hơi nhô. Vây ngực và vây bụng nên ngắn và tròn tương ứng với đuôi. Vây hậu môn có hai thùy, hình dạng tương ứng với đuôi, vây ngực và vây bụng. Điểm đặc trưng của dòng cá này đó là các bướu nhỏ nổi lên một cách đều đặn trên đầu, mặt và nắp mang, và độ cong tại điểm nối giữa gốc đuôi và đuôi. Có hai loại vảy là ánh kim và bán kim. Vảy ánh kim gồm cam, đỏ-trắng, đen, xanh dương, đồng thau và trắng. Vảy bán kim gồm nhị sắc, tam sắc và vải hoa (có hay không có các đốm).
Bướu trên đầu ranchu là một trong những đặc điểm chính và có thể chia thành ba vùng: đỉnh đầu, mặt và nắp mang. Bướu trên cả ba vùng phải phát triển đều và cân xứng. Người Nhật đánh giá cá vàng ranchu bằng cách quan sát từ trên xuống. Khi nhìn xuống, đầu cá phải càng vuông vức càng tốt.
Không chỉ đầu cá vuông vức mà bướu ở các phần khác như đỉnh đầu, mặt và nắp mang cũng rất phát triển nhưng không to quá mức.
Ngoài đầu bướu, ranchu còn có phần lưng độc đáo. Lưng cá ranchu hơi cong ở phần trước gốc đuôi rồi đột ngột cụp vào ở gốc đuôi. Gốc đuôi rất to để hỗ trợ lưng và đuôi. Gốc đuôi rất to là đặc điểm độc đáo của ranchu và có thể được áp dụng để phân biệt với lan thọ. Hình dưới đây mô tả một con ranchu có gốc đuôi cực to khi nhìn từ bên trên.
Vây hậu môn có hai thùy và đuôi nên nhô ra. Độ nhô từ 25 – 75% chiều dài đuôi nhưng miễn sao phải vừa mắt chớ không nên cố tuân theo một con số cụ thể. Độ nhô ở đuôi quyết định khả năng bơi của cá. Nếu độ nhô dưới 25%, đuôi cá sẽ rủ xuống và cá sẽ bơi lúc lắc sang hai bên. Nếu độ nhô trên 75%, đuôi sẽ xòe quá rộng khiến cá bị trĩu xuống khi bơi. Đuôi phân tách trên 50% sẽ khiến cá bơi tốt nhất. John Parker quan sát thấy nếu chóp đuôi nhô ra khỏi đường cong của lưng, cá vẫn bơi lội không thăng bằng. Lưu ý rằng các thùy vây ở cá ranchu tròn hơn so với lan thọ. Thân cá nên tròn trịa và không thuôn dài. Thân dài được xem là kém chất lượng hay cá bị lai với lan thọ.
Cá ranchu có đủ loại màu sắc ở cá vàng mặc dù màu vải hoa rất hiếm, có một dòng ranchu màu vải hoa gọi là edonishiki. Trên thực tế, hầu hết cá ranchu màu đỏ, đỏ-trắng và đen. Ranchu có thể lớn đến 20 – 25 cm mặc dù kích thước cá trưởng thành 12 – 15 cm là phổ biến.
Nguồn: kithuatnuoitrong.com