Site icon Nuoitrong123

Cách phòng trừ sâu bệnh trên cây mắc ca

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong ít năm trở lại đây, Chi cục Bảo vệ thực vật (Chi cục BVTV) của tỉnh vừa công bố cách phòng trừ các loại sâu bệnh trên loại cây trồng này.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã có 489,9ha cây mắc ca, tập trung tại huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Hiện 1ha mắc ca trồng ở Lâm Đồng vào thời điểm thu hoạch chính từ năm thứ 8 trở đi có thể cho năng suất vào khoảng 5 tấn hạt/ha/năm. Với giá bán 60.000 đồng/kg hạt, giá trị thu được 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính vào khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng xen trong vườn cà phê thì doanh thu tăng thêm từ 60-80 triệu đồng, đồng thời còn tăng tính bền vững hơn cho vườn cà phê.

Tuy nhiên, đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản suất, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca.

Kết quả kiểm tra thành phần sâu bệnh gây hại trên cây mắc ca của Chi cục BVTV Lâm Đồng cho thấy, thành phần sâu bệnh hại chưa phổ biến, mức độ gây hại còn nhẹ, chủ yếu là bọ nẹt, rầy mềm, sâu kèn nhỏ, rệp sáp, sâu… Để phòng ngừa các loại sâu bệnh trên cây mắc ca, người trồng nên lựa chọn trồng các giống kháng bệnh (tìm hiểu các giống được phép sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ở các trung tâm giống có uy tín và chất lượng), chỉ sử dụng cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, sạch bệnh và thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, cắt bỏ cành, lá, hoa bị hại tiêu hủy.

Bảo vệ các loài thiên địch trên vườn trồng mắc ca như nhện, kiến vàng, ong bắp cày, chim, bọ ngựa, bọ rùa có khả năng ăn ấu trùng của một số loài sâu hại như: rệp sáp, bọ xít, nhện đỏ, bọ cánh cứng… Người trồng nên hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao, ưu tiên sử dụng các loại thuốc gốc sinh học để phòng trừ.

Hiện nay, trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam năm 2013 chưa có loại thuốc nào đăng ký phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây mắc ca. Khi sâu, bệnh hại mới phát sinh gây hại và có xu hướng phát triển như rệp sáp, rầy mềm, sâu đục thân mình hồng có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Diazinon, Cypermethrinđể phòng trừ. Bệnh xì mủ thân có thể tham khảo các hoạt chất Dimethomorph + Mancozeb hoặc Mancozeb + Metalaxyl – M để phòng trừ.

Người trồng mắc ca cũng cần lưu ý, trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực của thuốc và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng.

Nguồn: vietlinh.vn

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version