Sâu và côn trùng là kẻ thù chính của cây hoa. Mùa xuân là mùa sâu bệnh phát triển nhiều nhất.Vì vậy, phải phát hiện sớm các loại sâu, côn trùng gây bệnh cho hoa để có biện pháp phòng trừ sớm. Dưới đây là một số sinh vật gây hại cho hoa:
Sâu xanh là loại đa thực phá hoại trên nhiều loại cây trồng, trong đó có hoa kiểng. Sâu non ăn lá, ăn nụ hoa, trên lá non chúng ăn khuyết, trên nụ chúng đục nụ, ăn vào bên trong. Sâu non tuổi lớn có tập tính ăn thịt lẫn nhau, khi đẫy sức chuyển xuống đất hóa nhộng. Sâu trưởng thành hoạt động về đêm thích mùi chua ngọt, ban ngày ít hoạt động, ẩn nấp vào lá cây, chúng đẻ trứng rải rác trên lá non hoặc nụ hoa, sau khi đẻ từ 3-4 ngày thì trứng nở.
Rệp muội là một trong những đối tượng chính gây hại nặng trên một số cây hoa kiểng từ khi cây con đến lúc thu hoạch. Loại rệp này sống tụ tập trên bề mặt lá, đặc biệt là lá non, trên đài, nụ hoa và ngọn cây. Rệp chích hút dịch cây tạo thành những vết nhỏ, màu vàng nâu hoặc thâm đen làm cho cây bị mất dinh dưỡng, do đó trở nên còi cọc, ngọn quăn queo, lá biến dạng, mầm hoa không vươn lên được, nếu hại nụ sẽ làm thui nụ hoặc hoa không nở, cánh hoa úa hoặc nhạt màu.
Nên mua các loại cây giống, cành giống không có triệu chứng của rệp (rệp con, hoặc trứng rệp). Luôn quan sát, phát hiện kịp thời, nếu thấy rệp bắt đầu xuất hiện ít cần tiêu diệt rệp ngay bằng tay hoặc dùng hồ gạo nếp, keo dính tẩm vào que bông bắt rệp. Nếu trồng hoa kiểng nhiều hoặc trồng chuyên canh dùng thiên địch diệt rệp bằng cách nhân nuôi các loại bọ rùa ăn rệp như: bọ rùa đỏ, bọ rùa 2 chấm đỏ, bọ rùa Nhật Bản, bọ rùa 6 vằn,… các loại ong ký sinh, bọ cánh cứng… khi rệp phát sinh với số lượng lớn, không thể áp dụng các biện pháp trên thì phải dùng thuốc hóa học để phun cho hoa vào giai đoạn rệp non. Các loại thuốc diệt rệp là: Supracide 40ND, nồng độ phun 0,1-0,15% (phun 3 bình loại 8 lít/1 sào Bắc Bộ), Bassa 0,1-0,15%, Karate 2,5 EC 0,5-0,1%, Ofatoc 400 EC 0,1-0,15%… Nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc trên để tránh hiện tượng rệp quen thuốc.
Rệp sáp, rệp phấn trắng: Hoa, cây cảnh thường xuất hiện 3 loại rệp: Rệp đen, rệp trắng, rệp vàng. Rệp đen và rệp vàng dễ trị, chỉ cần dùng thuốc Ditarex pha nồng độ vừa phải phun vài ba lần là sạch ngay. Riêng rệp phấn trắng thì không dễ chút nào. Nó được mệnh danh là rệp sáp có khả năng kháng thuốc. Do vậy các loại thuốc có độc tố cao đến mấy nó cũng kháng được. Nhiều người bó tay, bởi nó chỉ ngưng hoạt động trong thời gian dùng thuốc. Hết thuốc nó lại bắt đầu hoành hành. Giống rệp này thường tập trung nhiều nhất ở các cây: Vạn tuế, thiên tuế, sơn tuế, cau cọ các loại. Một khi rệp phấn trắng đã bò xuống tận gốc cây thì hết đường cứu chữa. Chẳng khác gì bệnh đạo ôn lúa đã leo lên đến cổ bông thì hầu như bất khả kháng. Và hiện nay rệp phấn trắng đã xuất hiện cả ở các cây ăn quả như: Cây khế, chanh, cam, quýt, bưởi… Khi phun thuốc trị rệp sáp, rệp phấn trắng ta pha thêm chút nước rửa chén.