Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm luôn làm đau đầu các bà nội trợ và thay vì tìm mua rau quả ngoài chợ, trong các siêu thị, nhiều người đã học cách trồng rau trên ban công để đảm bảo vệ sinh cho bữa cơm gia đình. Nhưng nếu nhà bạn có ban công nhỏ hẹp thì sao? Liệu có thể trồng rau trong điều kiện eo hẹp về diện tích? Dưới đây là cách trồng rau trên ban công nhỏ hẹp mà bạn nhất định phải nằm lòng.
Thiết kế hệ thống gieo trồng
Cách trồng rau trên ban công nhỏ hẹp thông minh chính là tận dụng tối đa diện tích và không gian gieo trồng dựa vào hệ thống giá treo đá tiện ích. Theo đó, bạn nên thiết kế hệ thống gieo trồng dạng vườn đứng, nằm áp sát hai bên tường nếu muốn tạo sự thông thoáng cho ban công. Với những loài rau củ có thân bò, thân leo, bạn có thể sắp xếp chúng dọc lan can, vừa để cây dễ leo lên, vừa làm thành bức tường xanh giúp ban công nhà thêm phần thoáng mát
Lựa chọn và sắp đặt cây trồng
Đặc trưng của ban công là nơi chênh tối, chênh sáng và cây trồng cần phải hấp thụ nước thụ động. Chính vì vậy, trong cách trồng rau trên ban công, chúng ta cần lựa chọn và sắp đặt các loại cây trồng ở những vị trí phù hợp với đặc tính sinh trưởng của chúng. Ví dụ: với những loài rau ưa sáng như hành, cải ngọt, rau ngót, rau muống, đậu… chúng ta nên ưu tiên trồng ở dọc lan can, góc ban công hay nơi có nhiều ánh sáng; với những loài rau gia vị, ưa bóng như lá lốt, diếp cá, xương sông, húng, bạc hà… thì bạn có thể trồng dưới chân các cây thân leo, vừa để tận dụng đất, vừa được che mát, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của cây.
Một số loài thực vật dễ trồng, ít sâu bệnh, không cần nhiều công chăm sóc và thích hợp để trồng trên ban công bao gồm: xà lách, mồng tơi, các loại đậu, ớt, rau muống, cà chua, khoai tây…
Chọn đất trồng
Mục đích của trồng rau trên ban công là để cung cấp cho bữa ăn gia đình. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, gia chủ cần hạn chế bón phân. Nếu muốn vậy, hãy ưu tiên sử dụng đất giàu dinh dưỡng như đất mùn có thêm trùn quế. Loại đất này vừa chứa nhiều khoáng, vừa thoáng, không gây úng nước và giúp cây phát triển khỏe mạnh hơn so với các loại đất thông thường.
>> Tham khảo ngay: Cách trồng rau sạch đơn giản
Chế độ chăm sóc
Về nguồn nước, hầu hết các loại rau đều cần nhiều nước, đặc biệt là các loài rau ăn lá (có diện tích lá lớn). Thế nên trong cách trồng rau trên ban công, chúng ta cần lưu tâm tới chế độ tưới tiêu. Cụ thể, vào giai đoạn non, nên tưới nước ngày hai chiều dạng phun sương cho đến khi cây phát triển cứng cáp. Khi cây đã sinh trưởng ổn định, bạn có thể điều chỉnh tần suất tưới nước dựa vào đặc tính của cây và điều kiện thời tiết thực tế.
Về phân bón, nếu không muốn rau quả còn tàn dư phân bón hóa học, cách tốt nhất là hãy tiết chế tối đa việc bón phân. Đặc biệt, chỉ dùng phân hoai mục hoặc phân vi sinh nhả chậm trong thời kì cây non. Trước thời điểm thu hoạch rau ăn lá chừng 1 tháng, nên ngừng bón phân cho cây.
Về chế độ phòng trị bệnh, tùy từng loại rau khác nhau sẽ có những loại sâu bệnh khác nhau: ví dụ rau cải thì thường bị nhiễm nấm hoặc rệp; rau ngót thì thường bị sâu ăn lá phá hoại… Tuy nhiên khi đối diện với tình trạng này, chúng ta không nên dùng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là sử dụng dung dịch tỏi ớt để tưới cho cây theo liều lượng phù hợp. Tất nhiên với cách làm này, hiệu quả diệt trừ sâu bệnh chỉ đạt tầm 70% nhưng về độ an toàn cho người sử dụng thì bạn có thể yên tâm 100%.
Tham khảo ngay cách trồng và chăm sóc nhiều loại cây, các loại hoa trên ban công nhà ở khác tại đây
Thêm một lưu ý nhỏ, có một số loại sâu bệnh thường lây lan truyền nhiễm từ cây này sang cây khác. Vậy nên khi trồng rau trong chậu, hãy lưu ý đến khoảng cách giữa các chậu, tối thiểu là 10 cm đến 15 cm để hạn chế sự lây truyền chéo.
Trên đây là cách trồng rau trên ban công nhỏ hẹp mà bạn cần nắm rõ trước khi triển khai kế hoạch. Sau cùng, chúc bạn có một vườn rau ban công xanh mướt và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết của chúng tôi! Trân trọng!