Bón phân cho rau, màu cân đối, bón sớm, bón nhiều kali và phun chế phẩm K-H; A-H 502 cho cây trước các đợt rét đậm, có tác dụng giúp cho cây tăng khả năng chống rét.
Tăng cường bón phân
Bón phân cho rau, màu cân đối, bón sớm, bón nhiều kali và phun chế phẩm K-H; A-H 502 cho cây trước các đợt rét đậm, có tác dụng giúp cho cây tăng khả năng chống rét.
Đối với các loại cây màu như cây ngô, cây khoai lang: Tưới rãnh đủ ẩm, đảm bảo 70-80% độ ẩm đồng ruộng để cây sinh trưởng sinh thực tốt, khoai về củ, ngô về hạt được thuận lợi. Với cây khoai lang cần bón kali sớm kết hợp với đạm, bón lần cuối (lần 2) sau trồng 40-45 ngày, mỗi sào (360m2) 3-4kg kali + 1-2kg đạm urê, vun cao vào gốc, không được tỉa cành lá xung quanh gốc để khoai ấm gốc tạo điều kiện thuận lợi cho các chất dinh dưỡng về củ.
Với cây ngô bón nốt lượng đạm, kali sớm vào lúc ngô có 10-12 lá (trước trổ cờ 10-15 ngày), đồng thời vun cao vào gốc. Chú ý tuyệt đối không được làm gãy, làm rách, nát hoặc cắt lá mang bi (bắp), vì lá mang bi quyết định 50-60% độ chắc, mẩy của hạt.
Cây lạc đông, đậu tương đông đang ở thời kỳ xuống củ, vào mẩy hạt, cần bón sớm, bón đủ kali, tưới đủ ẩm để cây chống rét tốt, củ, hạt được căng, chắc.Các loại cây rau như: Hành, tỏi, cây họ cà (cà chua, khoai tây), rau họ cải (bắp cải, su hào, sup lơ), và các loại rau khác cũng phải tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm. Bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm để cây khoẻ mạnh tăng cường khả năng chống rét.
Chăm sóc
Tỉa thưa hợp lý cành, nhánh (nhất là đối với cây cà chua, khoai tây), làm bộ tán thông thoáng, hạn chế sâu, bệnh hại. Tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung cho các loại rau ăn quả (cà chua, bí đỏ, ngô).
Phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu, bệnh mới phát sinh, gây hại.
Nguồn: sưu tầm