Site icon Nuoitrong123

Dày công biến đất hoang thành trang trại trù phú tiền tỷ

Dày công biến đất hoang thành trang trại trù phú tiền tỷ - 14666670431848 dv chinh36

Trút bỏ bộ quân phục, ông Đỗ Công An (thôn Tân An, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã dày công biến khu đất hoang hóa thành trang trại trù phú, mỗi năm cho thu nhập gần nửa tỷ đồng.

Bản lĩnh quân nhân

Năm 1986, ông Đỗ Công An xuất ngũ trở về địa phương. Trong lúc loay hoay chưa biết làm gì để phát triển kinh tế gia đình, ông tìm đến khảo sát khu đất chiêm trũng bị bỏ hoang của địa phương vì quanh năm mất mùa, cấy lúa không được, làm màu cũng không xong. Nhiều người bảo có cho không cũng chẳng nhận, thế mà ông An lại nhìn thấy cơ hội ở khu đất này.

Ông đã mạnh dạn đổi ruộng và khai mở khu đất hoang để lập trang trại nuôi cá giống, nuôi lợn và trồng cây ăn quả. “Do đất trũng khó canh tác nên tôi đã đổ xuống không biết bao nhiêu công sức, tiền của. Ngày nào cũng vậy, tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến tối mịt mới trở về. Dù đầu tắt mặt tối nhưng làm việc gì tôi cũng phải tính toán kĩ càng, tận dụng từng mét đất” – ông An kể.


Ngoài trồng cây ăn quả, nuôi cá giống, ông An còn chăn nuôi lợn rất thành công. Ảnh: Tùng Anh

Nhận thấy nhu cầu cá giống của bà con rất cao, ông tìm mua cá giống của những trung tâm giống thuỷ sản có uy tín ở Bắc Ninh và Vĩnh Phúc về nuôi. Trên diện tích 2 mẫu ao, chia thành 3 ô, ông chuyên thả các loại cá: Trắm, trôi, chép, mè. Để cá sống khoẻ, ông An đầu tư máy sục khí, vào những ngày thời tiết oi bức, ông sục khí khắp ao từ 10 giờ tối đến sáng hôm sau. “Nuôi cá giống nó cũng đỏng đảnh, cầu kì lắm. Chỉ cần thay đổi nhiệt độ là cá cũng thay đổi theo, giống con người hay hắt hơi, sổ mũi vậy. Mình không sâu sát, cá dễ chết lắm. Nhất là khu thả cá phải ở nơi tương đối kín gió mới phát triển được” – ông An chia sẻ.

Nhờ kiên trì, chịu khó, đàn cá của ông phát triển tốt, mỗi năm ông xuất thị trường từ 6 – 7 tấn cá giống, thu lãi từ 120 -150 triệu đồng.

Bội thu từ quả ngọt

Theo ông An, để cây trồng phát triển tốt, khâu chăm sóc là quan trọng nhất. Sau khi thu hái, người trồng phải làm cỏ, bón phân chuồng và phân vô cơ. “Vườn ổi có bao nhiêu quả, khi to bằng ngón tay cái tôi đều bọc lại từng quả để phòng ruồi vàng đục quả. Mình phải quan tâm, chăm sóc nó từng ly từng tý, nó sẽ cho mình quả ngọt” – ông An nhấn mạnh.Năm 2008, khi thấy cây vải, nhãn không còn mang lại hiệu quả cao, ông chuyển đổi sang trồng 300 cây ổi. Tiếp đó, ông trồng 100 gốc bưởi Diễn, 30 gốc bưởi da xanh. Theo thời gian, cây bưởi, ổi lớn dần và cho thu nhập đều đặn. Riêng bưởi Diễn, mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng. Còn 30 gốc bưởi da xanh, mỗi gốc cũng cho 30 – 40 quả, tổng thu nhập khoảng 30 – 40 triệu đồng, vườn ổi cũng cho nguồn thu khoảng 90 triệu đồng. Từ trồng trọt, cho gia đình ông  thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Để tận dụng tối đa diện tích đất, ông An còn xây chuồng nuôi lợn thương phẩm và lợn nái. Tính sơ mỗi năm 4 lứa xuất bán cả lợn giống và lợn thịt, trừ chi phí, ông cũng bỏ túi khoảng 100 triệu đồng.

Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với ông An, theo số điện thoại 01239826801.

Nguồn: sưu tầm

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version