Từ việc yêu thích công nghệ, một “Hai lúa” ở miền Tây dám bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư phát triển mô hình trồng dưa lưới ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao đầu tiên ở Hậu Giang. Đó là anh Võ Văn Chưng ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.
Dám nghĩ dám làm
Để thỏa mãn niềm đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao của mình, từ một người tay ngang chuyên làm khung hình, năm 2015, anh Chưng đầu tư trên 600 triệu đồng áp dụng mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt trên diện tích khoảng 2.000m2.
“Bản thân rất yêu thích công nghệ mới, có quen nhiều bạn bè làm trong lĩnh vực này, nên cũng dễ tiếp cận. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, tôi làm được 2 vụ, trừ hết chi phí, lợi nhuận đạt trên 130 triệu đồng…” – anh Chưng nói với vẻ đầy tâm đắc.
Mô hình trồng dưa lưới của anh Võ Văn Chưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Thanh Duy
Chị Trương Kim Nương – người dân địa phương cho biết: “Lúc trước thấy anh Chưng về đầu tư hàng trăm triệu đồng làm mô hình này, người dân ở đây thấy lo lắng cho anh, bởi từ trước đến nay, gia đình anh Chưng chỉ quen với sản xuất lúa truyền thống. Nhưng qua vụ thu hoạch những trái dưa lưới đầu tiên, thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, người dân ở đây mới tin vào những gì mà anh quyết tâm làm”.
Về điều này, anh Chưng hồ hởi cho biết thêm: “Trồng dưa lưới trong nhà kính vừa giúp che mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập. Làm theo cách này, nông dân giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dư thừa hàm lượng phân bón trong trái, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao khi đến với người tiêu dùng…”.
Quy trình thực hiện bằng máy
Cây dưa lưới rất nhẹ công chăm sóc, vì tất cả quy trình đã được thực hiện bằng máy…”. Anh Võ Văn Chưng (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) |
“Dù trồng dưa trong nhà kính, côn trùng không vào được nhưng cần đảm bảo khâu vệ sinh trong quá trình cắt tỉa để tránh nấm bệnh lây lan. Công việc này cần tiến hành định kỳ để dây dưa to khỏe, cho trái đạt chuẩn. Cây dưa lưới rất nhẹ công chăm sóc, vì tất cả quy trình đã được thực hiện bằng máy….” – anh Chưng giới thiệu thêm về mô hình.
Quy trình tưới tại mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Chưng được áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chuyển giao. Kỹ thuật tưới này đã quản lý chặt chẽ lượng nước tưới cho cây. Quy trình được lập trình sẵn với chu kỳ 10 lần/ngày, và mỗi lần tưới 2 phút. Mô hình tiết kiệm tới 80% lượng nước so với cách tưới thông thường.
Tuy dưa lưới là loại cây trồng còn mới mẻ ở Phụng Hiệp, nhưng theo đánh giá của anh Chưng, dưa trồng ở đây có chất lượng trái tốt, trên 90% quả đạt loại 1, tỷ lệ hao hụt chưa tới 3%. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn nên có thể trồng được 3 – 4 vụ/năm.
Ông Trần Văn Tuấn- Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, do cây dưa lưới rất mẫn cảm với thời tiết, nên nước tưới cho cây phải là nguồn nước sạch. Khi áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt này, bình quân mỗi tháng 5.000 dây dưa lưới chỉ sử dụng khoảng 180m3 nước (khoảng 700.000 đồng). Cây dưa lưới sinh trưởng khoảng 70 ngày, nên mỗi vụ chỉ tốn hơn 2 triệu đồng cho việc tưới nước, giảm đáng kể lượng nước so với cách tưới thông thường, phù hợp với điều kiện thời tiết hạn hán như hiện nay.
Nguồn: sưu tầm