Site icon Nuoitrong123

Hướng dẫn cải tạo, chuẩn bị thả giống thủy sản năm 2016

Hướng dẫn cải tạo, chuẩn bị thả giống thủy sản năm 2016 - huong dan cai tao chuan bi tha giong thuy san nam 2016

Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương về xu thế thời tiết thủy văn mùa Đông Xuân năm 2015-2016 ở Bắc Bộ ít ngày rét; hiện tượng rét đậm, rét hại có khả năng không kéo dài, mùa Đông ấm; nhiệt độ từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5oC; lượng mưa có khả năng thấp hơn khoảng 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Do đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra, Chi cục Thủy sản Thái Bình hướng dẫn công tác cải tạo ao, đầm, bãi triều chuẩn bị tốt cho thả giống các đối tượng thủy sản nuôi năm 2016, cụ thể như sau:

1. Thời gian cải tạo:

Bắt đầu từ tháng 01 – 3/2016 (Dương lịch

2. Phương pháp cải tạo

– Đối với ao đầm nuôi trồng thủy sản: Các địa phương cần xây dựng phương án sản xuất và có kế hoạch cụ thể để hướng dẫn nhân dân dồn ghép các ao nuôi lưu cá qua đông tập trung thành vùng nuôi riêng và có kế hoạch cấp, giữ nước ổn định trong thời gian cải tạo vùng nuôi chung; hướng dẫn vị trí xả chất thải theo đúng quy định; tổ chức cải tạo, nạo vét, tu sửa, nâng cấp hệ thống kênh mương toàn vùng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo nhân dân nạo vét bùn đáy, nâng cấp bờ ao đầm nuôi đảm bảo độ sâu mực nước tối thiểu từ 01m trở lên, trong đó:
+ Đối với những vùng nuôi tháo được kiệt nước, pH đất > 6 người dân nên áp dụng phương pháp cải tạo khô. Sau khi nạo vét bùn đáy, sử dụng cày hoặc cuốc lật nền đáy, bón vôi bột với lượng 10-15 kg/100 m2 rồi tiến hành phơi ao từ 10-15 ngày để giải phóng khí độc, tăng độ khoáng hoá cho đất.
+ Đối với những vùng không tháo được kiệt nước (vùng trũng, ao tù), pH đất < 6 nên áp dụng phương pháp cải tạo ướt. Tháo cạn nước đến mức tối đa, dùng máy bơm nước áp lực lớn dồn bùn hữu cơ vào một góc ao rồi chuyển ra ngoài khu vực nuôi. Sử dụng vôi sống hoặc vôi bột bón xuống ao, dùng cào đảo vôi với bùn rồi ngâm ao từ 7-10 ngày để diệt khuẩn, diệt tạp và cải thiện pH, lượng dùng 15-20 kg/100 m2.
– Đối với nuôi cá lồng trên sông: Kết thúc mỗi vụ nuôi phải đưa lưới lên bờ, vệ sinh sạch lồng lưới, sau đó ngâm với nước vôi hoặc thuốc tím để sát khuẩn trước khi thả nuôi vụ mới.
– Với diện tích ương, nuôi ngao
+ Sau khi kết thúc vụ ương nuôi ngao trong đầm nước lợ, phải tiến hành vệ sinh vây lưới, cày lật nền đáy, kết hợp bón vôi bột với lượng 8-10 kg/100m2 rồi tiến hành phơi đáy ao để tăng độ tơi xốp và khoáng hóa cho đất, hạn chế rong rêu phát triển. Trước khi thả giống có thể phun cát bổ sung để nền đáy đạt tỷ lệ cát bùn khoảng 90/10, phù hợp cho ngao sinh trưởng.
+ Đối với diện tích bãi triều, sau khi kết thúc một chu kỳ nuôi các hộ dân nên chủ động tính toán lịch con nước, có thể sử dụng máy cày lật mặt bãi để giải phóng khí độc tích tụ dưới nền đáy, tăng độ tơi xốp của đất, thuận lợi cho ngao sinh trưởng. Những bãi nuôi có tỷ lệ bùn hoặc phù sa cao, nền đáy chưa ổn định cần phun cát bổ sung đến mức hợp lý (tỷ lệ cát bùn khoảng 80:20), rồi cắm vây lưới bảo vệ sản phẩm trước khi thả giống.
(Lưu ý: Không sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BNNPTNT, ngày 25/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

3. Kế hoạch lấy nước, chuẩn bị cho công tác thả giống năm 2016

– Nguồn nước cấp vào ao nuôi: Phải lựa chọn con nước có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật… Nước lấy vào ao phải lọc qua túi lọc hoặc lưới mắt dày để hạn chế các đối tượng địch hại theo vào ao nuôi. Mực nước cấp ban đầu nên đạt mức 0,6m, sau khi thả giống nâng dần mực nước đạt mức tối đa theo yêu cầu.
– Thời gian lấy nước vào ao nuôi:
+ Đối với vùng nuôi thủy sản nước ngọt: Sau khi cải tạo, khuyến cáo người dân chủ động lấy nước vào ao nuôi theo kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Xuân năm 2016 của tỉnh. Sau đó, bón phân hữu cơ ủ hoai với vôi bột (100kg phân ủ với 10kg vôi bột) để gây màu nước, lượng dùng 20-25kg/100m2, khi nước có màu xanh nõn chuối, tiến hành thả giống.
+ Đối với vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ: Sau khi thau rửa ao đầm, kênh mương vùng nuôi, người dân có thể lựa chọn con nước lớn vào kỳ triều cường đầu tháng 4/2016 (Dương lịch). Lấy nước vào ao (tốt nhất nên bố trí ao chứa xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi), 03 ngày sau trứng các đối tượng địch hại đã nở hết, sử dụng Saponin hoặc Sapotex để diệt tạp, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau 05 ngày, gây màu nước bằng hỗn hợp mật đường + cám gạo + bột cá hoặc bột đậu nành theo tỷ lệ 3:1:3 rồi ủ trong 12 giờ, bón xuống ao liên tục trong 3 ngày vào lúc 9-10 giờ sáng, lượng dùng 0,5-0,7 kg/100m3 nước ao; hoặc có thể sử dụng phân gây tảo để gây màu nước, lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất. Khi nước có màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt tiến hành thả giống.

Nguồn: nghenong.com

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version