Dưa leo thuộc nhóm cây ăn trái, có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
I. Giống
Hiện nay các giống mới có năng suất cao và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như giống: giống lai F, của Công ty cây trồng miền Nam. Giống F1: HAPPY 14, HAPPY 16, thời gian gieo đến cho trái từ 35-40 ngày. Giống F, Công ty Chia Tai 331, 361, thời gian gieo đến cho trái từ 35-40 ngày. Lượng hạt giống từ 0,5 – 0,7 gr/sào.
II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
1. Thời vụ:
Dưa leo có thể gieo quanh năm, thích hợp trong vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, nếu chủ động nước tưới, năng suất trong vụ Hè vẫn đạt năng suất cao.
– Vụ Đông xuân gieo trồng từ tháng 11, 12 (DL).
– Vụ Hè thu gieo trồng từ tháng 3,4 (DL).
2. Làm đất:
– Cày bừa kỹ làm sạch cỏ dại.
– Dưa leo thích hợp trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt nhẹ, nhiều mùn, bằng phẳng, đất dễ thoát nước, đất được cày, phơi ải từ 5-7 ngày trước khi lên luống mới.
– Làm đất kỹ, lên luống rộng 1- 1,2 m, chiều cao luống từ 20- 25 cm (tuỳ theo mùa), rãnh luống rộng 30 cm, chiều dài luống tùy theo kích thước thửa ruộng. Bón phân lót, xới và trộn đều phân và phủ bạt plastic.
3. Mật độ và khoảng cách:
Trên luống trồng 2 hàng. Hàng x: 70 cm – 80 cm. Cây x cây: 25 cm.
4. Xử lý hạt giống và cách trồng:
– Xử lý hạt giống trước khi trồng bằng Ridomil hoặc Carbendazym, Rovral.
– Mỗi gốc 1 hạt, gieo xong rải một lớp đất mỏng lên trên (ươm trong bầu 3 –5% để trồng dặm kịp thời).
– Làm đất: làm chái bằng lưới theo hình tam giác, chiều cao chái từ 1,2 – 1,8 cm.
5. Bón phân:
+ Bón lót:
Phân chuồng hoai mục: 1.000 kg – 1.200 kg/sào hoặc phân giun: 1.000 – 1.200 kg/sào.
Phân Bi Fa: 25- 30 kg/sào; phân lân: 20-25 kg; kali: 5-7 kg/sào; vôi 20-25 kg/sào (bón 7 – 10 ngày trước khi trồng).
+ Bón thúc:
Dùng phân NPK
– Lần 1: tưới phân loãng (sau khi cây có 2-4 lá thật): 3-5 kg/sào.
– Lần 2: sau khi trồng 20 ngày khi cây phun tua cuốn, bón 10- 12 kg/sào.
– Lần 3: sau khi trồng 30 ngày khi cây bắt đầu có hoa cái, bón 10-12 kg/sào.
6. Chăm sóc:
– Trồng dặm, thường xuyên chăm sóc, nhổ cỏ, tưới nước đủ ẩm cho cây, không nên thừa nước và thiếu nước cho cây, đặc biệt ở giai đoạn ra hoa đậu trái.
– Có thể phun thêm các chế phẩm phân hữu cơ xen giữa các lần bón thúc và sau mỗi đợt thu trái cần bổ sung thêm NPK và bánh dầu và chế phẩm EM.
III. Phòng trừ sâu bệnh
Cần áp dụng luân canh với cây khác họ, bón phân cân đối, nên bón đủ lượng phân chuồng hoai mục (hoặc phân giun).
+ Sâu hại chủ yếu: sâu xanh, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, dùng thuốc: Tri Gard, Regent. Rệp mềm đen, bọ trĩ dùng thuốc: Confidor, Actara.
+ Bệnh hại: Bệnh sương mai dùng thuốc: Ridomil GOLD, Daconin.
Bệnh chết ẻo dùng thuốc: Rovral, Validacin, Ridomil GOLD.
Chú ý: Khi dùng thuốc BVTV đảm bảo nguyên tắc “bốn đúng”: đúng thuốc – đúng liều lượng- đúng lúc – đúng cách, sử dụng đúng theo hướng dẫn trên bao bì và thời gian cách ly.
IV. Thu hoạch
– Tiến hành thu hoạch khi trái đủ tuổi và trái có màu xanh mượt còn lớp phấn trắng, suông đẹp và đầu trái còn cánh hoa chưa rụng, không nên hái non quá sẽ giảm năng suất, nhưng hái già quá sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất.
– Khi thu trái dùng dao bén hoặc kéo để cắt cuốn, trái được xếp đứng vào thùng hoặc giỏ.
Nguồn: sưu tầm