Cá lóc là loài cá dữ, ăn tạp, có sức sống cao, có khả năng chịu đựng tốt với môi trường. Đây là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân.
Có nhiều hình thức nuôi như nuôi trong ao, nuôi trên bạt, nuôi trong vèo đặt trong ao, đặc biệt hình thức nuôi trong vèo đặt trong ao là hình thức dễ chăm sóc quản lý, thích hợp cho người có ít diện tích đất sản xuất. Sau đây là một số lưu ý khi nuôi cá lóc trong vèo đặt trong ao:
Nên chọn ao ở gần nơi có nguồn nước sạch, nếu gần sông lớn để thu hoạch vận chuyển bằng ghe đục càng tốt. Diện tích ao 200 – 1.000 m2, độ sâu 1,2 – 2 m, mực nước trong vèo khoảng 1 m.
Cải tạo ao, vét bùn, bón vôi, lấy nước vào ao, xử lý nước, căng vèo vào ao cho thẳng 4 góc, đáy vèo cách đáy ao khoảng 30 cm.
Cá lóc là loài cá dữ, sự tranh giành thức ăn trong ao rất lớn, cá lớn ăn cá nhỏ, nhất là tháng nuôi đầu vì vậy sự phân đàn rất lớn sau thời gian nuôi ngắn. Do đó, nên chọn đàn cá cùng ngày tuổi và cùng kích thước là hết sức quan trọng và quyết định năng suất sau này. Nên chọn mua giống ở những nơi tin cậy, giống nhân tạo, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không dị hình, không bị trầy xướt, không có triệu chứng bị bệnh. Con giống có chiều dài khoảng 6 – 10 cm thích hợp cho thả nuôi thương phẩm. Mật độ thả khoảng 50 – 100 con/m3tùy theo điều kiện đầu tư của hộ nuôi.
Tháng đầu, ương trong vèo cho cá ăn cá tạp được xay nhuyễn trộn với thức ăn viên chuyên dùng cho cá lóc hiệu Afiex 40% đạm, sau một tháng nuôi phân cỡ cá cho đều đưa qua 2 – 3 vèo nuôi và chuyển sang cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn viên loại 40% đạm. Đây là đặc điểm nổi bật trong nuôi cá lóc hiện nay vì sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và hạn chế làm cạn kiệt nguồn cá tự nhiên. Định kỳ bắt cá kiểm tra để phát hiện bệnh sớm có thể xảy ra trong ao nuôi. Nuôi hình thức này thay nước mỗi ngày khoảng 30%, sử dụng hóa chất xử lý nước; định kỳ dùng thuốc sổ giun sán cho cá nuôi.
Sau 4 – 5 tháng nuôi, cá đạt cỡ trên 700 g/con và cho thu hoạch.