Ông Đinh Hoài Mong ở ấp 9, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) ghép cây sầu riêng bản địa với sầu riêng cơm vàng hạt lép cho ra giống mới khỏe mạnh, chịu gió bão, chất lượng trái thơm ngon.
Dẫn chúng tôi ra tham quan khu vườn sầu riêng ghép đang trong giai đoạn cho trái sum xuê, ông Mong vui vẻ kể, cách đây 4 năm, một trận bão lớn bất ngờ quét qua Đồng Nai khiến vườn sầu riêng của ông bị gãy đổ tan hoang, gây thiệt hại nặng.
Sau đó ông trăn trở suy nghĩ cách lai tạo ra giống cây chủ động chống được gió bão.
“Trong nhiều phương án đưa ra, cuối cùng tôi quyết định chọn ghép cây sầu riêng bản địa (cây sầu riêng hạt) với sầu riêng cơm vàng hạt lép để tạo ra cây khỏe.
Trước tiên, tôi trồng 2 cây sầu riêng hạt ở vị trí gần nhau. Khi thân cây bằng ngón tay cái thì ghép bằng mầm của sầu riêng cơm vàng hạt lép.
Đợi mầm phát triển một thời gian, tiếp tục ép hai thân cây sát nhau rồi chọn một điểm cần ghép, dùng dao rạch vỏ điểm ghép đó rồi quấn băng thật chặt để giữ cố định mắt ghép.
Sau khoảng 1 tháng, mắt ghép đã tự lành và dính liền nhau, cây phát triển bình thường. Nhờ cách ghép này, thân cây trở xuống gốc là sầu riêng hạt, từ nhánh trở lên là sầu riêng cơm vàng hạt lép”, ông Mong chia sẻ.
Để có cây sầu riêng đầu dòng cơm vàng hạt lép, theo ông Mong thì phải lai ghép qua nhiều vòng đời giữa sầu riêng hạt, sầu riêng Thái, Ri 6…
Cây sầu riêng hạt thích nghi tốt với điều kiện khí hậu vùng này, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế ông đã dùng sầu riêng hạt ghép với sầu riêng hạt.
Sau đó cắt bỏ cành sầu riêng hạt để dồn hết chất dinh dưỡng nuôi cành sầu riêng cơm vàng hạt lép.
Khi hai cây lai với nhau tạo ra giống sầu riêng cơm vàng hạt lép có mùi vị thơm ngon, giúp cây có sức đề kháng tốt, chống được các loại sâu bệnh và gió bão.
Theo ông Mong, mỗi lần ghép cây giúp ông có thêm kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Ban đầu ông trồng 2 cây sầu riêng sát nhau và chọn điểm thân cây gần mặt đất để ghép.
Tuy nhiên ghép kiểu này thân cây rất yếu. Do đó, ông nghĩ cách trồng 2 cây cách xa hơn và ghép ở vị trí cao, từ 0,5 – 1m, giúp cây trụ vững hơn.
Hiện ông tiếp tục cải tiến cách ghép bằng việc trồng 3 cây sầu riêng ở 3 điểm tạo thành tam giác và ghép các cây lại ở 1 điểm cách mặt đất khoảng 2m.
Ông Mong hào hứng nói: “Cách ghép này sẽ giúp gốc vững chắc, cây khỏe, gió bão khó quật ngã. Đồng thời trồng cỏ mọc xung quanh gốc sầu riêng để giữ đất không bị xói mòn, tạo được độ ẩm cho cây và là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển.
Ngoài ra, tôi còn dùng dây kẽm cột các nhánh cây tạo thành vòng kiềng vững chắc…”.
Đến nay 50% diện tích sầu riêng của ông Mong đã được ghép cải tạo để chống đổ. Mỗi năm thu hoạch 30 – 40 tấn trái, cho thu lời hàng trăm triệu đồng. Với chất lượng và đầu ra ổn định như hiện nay, sầu riêng ghép được ông kỳ vọng là hái ra tiền…
Nguồn: Sưu tầm