Site icon Nuoitrong123

Nuôi cá lóc trong bể nilon mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nuôi cá lóc trong bể nilon mang lại hiệu quả kinh tế cao - image11

Vài năm trở lại đây, người dân phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên, An Giang) có thu nhập ổn định nhờ nuôi cá lóc trong bể nilon bằng thức ăn công nghiệp.

Ưu điểm của mô hình được xem là nghề “tay trái” này là chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, mà hiệu quả kinh tế lại khá cao…

Chạy dọc theo tuyến đường nông thôn khóm Thới An A, chúng tôi nhận thấy hầu như trước cửa nhà nào cũng có bồn nuôi cá lóc. Một trong những hộ nuôi hiệu quả là ông Mai Tấn Phước, lão nông tiên phong thực hiện mô hình nuôi cá lóc trong bể nilon bằng thức ăn công nghiệp tại địa phương.

Cá lóc

Ông cho biết, vào năm 2010, sau khi tham gia dự án nuôi cá lóc trong bể lót bạt bằng thức ăn công nghiệp do ngành Nông nghiệp tổ chức, ông đầu tư xây dựng 1 bồn 15m2 (rộng 3m, dài 5m), bên ngoài cắm cột bằng tre, bên trong lót bạt nilon cao khoảng 1m.

Được Nhà nước hỗ trợ 60% chi phí đầu tư (con giống và thức ăn công nghiệp), ông thả nuôi 1.500 con cá lóc giống đầu vuông. Hơn 4 tháng nuôi thì thu hoạch, sau khi trừ đi chi phí, ông còn lời trên 3 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, cộng với việc được các ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, ông mạnh dạn đầu tư thêm 3 bồn để nuôi luân phiên, cứ 1 – 1,5 tháng là bán 1 bồn.

Ông năm Phước phấn khởi khoe, gia đình ông vừa mới bán 1 bồn 13m2, với giá 29.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, ông còn lời trên 8 triệu đồng. Ông nhẩm tính, Tết Nguyên đán năm nay, nếu gia đình ông bán 2 bồn cá còn lại, với giá 35.000 đồng/kg, chắc chắn ông sẽ bỏ túi trên 10 triệu đồng tiền lời mỗi bồn.

Theo ông Năm, nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp, dù cá không lớn nhanh nhưng kỹ thuật nuôi đơn giản, lại ít dịch bệnh, nhẹ công chăm sóc hơn nhiều so với nuôi cá lóc bằng cá mồi (cá biển tạp).

Tuy nhiên, cần phải theo dõi tình trạng của cá thường xuyên để kịp thời có biện pháp xử lý, chứ đừng để cá bệnh nhiều rồi mới trị thì sẽ trở tay không kịp. Thông thường, nếu cá ổn định thì khoảng 3,5 tháng có thể xuất bán (đối với cá đầu vuông) và từ 4 – 5,5 tháng (đối với cá đầu nhím). Đặc biệt, để cá lớn nhanh cần phải cho chúng ăn loại thức ăn thủy sản 40 độ đạm từ 1 – 7 ly, tùy theo độ tuổi cá.

“Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp khỏe hơn nhiều so với nuôi bằng cá mồi. Mỗi ngày, tôi chỉ tốn hơn 1 giờ để thay nước cho 4 bồn cá và khoảng 3 lần cho cá ăn, mỗi lần cũng chừng 20 phút, thời gian còn lại tôi có thể chăm sóc kiểng, trồng rẫy hay làm việc khác. Già như tôi mà thu nhập mỗi tháng trên 5 triệu đồng cũng hiếm lắm”, ông chia sẻ.

Với lợi thế dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên mô hình ngày càng phát triển ở địa phương. Anh Mai Quang Hào, ngụ khóm Thới An A, cho biết, ngoài công việc tại nhà máy sản xuất gạch, anh còn đầu tư 1 bồn 24m2, thả nuôi 3.000 con cá lóc đầu vuông.

Theo tính toán của anh, nếu cá phát triển ổn định, giá bán trên 30.000 đồng/kg, gia đình có thể thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Anh Hào chia sẻ: “Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp “sướng” hơn nhiều so với nuôi heo, gà, vịt… Nhờ nó, cuộc sống gia đình tôi cải thiện hơn trước nhiều lắm”.

Anh Nguyễn Hồng Lạc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Thạnh cho biết, mô hình nuôi cá lóc trong bể nilon bằng thức ăn công nghiệp đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, toàn phường có khoảng 26 hộ nuôi cá lóc theo mô hình này, với khoảng 40 bồn.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, đồng thời phối hợp các ngành chức năng thường xuyên tổ chức dạy nghề, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể nilon bằng thức ăn công nghiệp cho bà con nông dân. Ngoài ra, Hội Nông dân phường đang hoàn thiện các thủ tục giúp người nuôi được vay vốn phát triển mô hình từ  quỹ “Hỗ trợ nông dân” của Trung ương Hội Nông dân.

Nguồn: Sưu tầm

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version