Site icon Nuoitrong123

Nuôi Vịt thương phẩm

Tuỳ thuộc vào điều kiện nuôi, mùa vụ và khí hậu mà quyết định mật độ chuồng nuôi. Mật độ vừa phải thì vịt sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế được sự lây nhiễm bệnh tật

Chăm sóc vịt nuôi

Mật độ nuôi: Tuỳ thuộc vào điều kiện nuôi, mùa vụ và khí hậu mà quyết định mật độ chuồng nuôi. Mật độ vừa phải thì vịt sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế được sự lây nhiễm bệnh tật. Tốt nhất vịt từ 1 – 2 tuần tuổi bố trí 18 – 19 con/m2 nền chuồng. Vịt từ 3 – 5 tuần tuổi (12 – 13 con/m2 nền chuồng) cộng với diện tích sân chơi bằng 2 lần diện tích nền chuồng.

Nhiệt độ: Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của vịt đối với nhiệt độ. Nếu vịt tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ vịt bị lạnh. Nếu vịt tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ. Nếu vịt tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi. Khi đủ nhiệt vịt vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.

Hành vi của vịt con cần phải được quan sát một cách thận trọng và liên tục trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý. Vịt con phân bố trong quây không đều là một dấu hiệu của hiện tượng nhiệt độ chưa hợp lý hoặc quá lạnh.

Thiết bị sưởi ấm: Có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại, chụp sưởi dây mai so. Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn. Nhiệt độ trong quây úm thích hợp: Vịt 1 – 3 ngày tuổi 31 – 33oC; 4 – 7 ngày tuổi: 29 – 31oC; 8 – 14 ngày tuổi: 26 – 29oC.

Thông thoáng: Đối với vịt yêu cầu về dưỡng khí tương đối cao. Tuy nhiên chuồng úm 1 ngày tuổi phải che kín. Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm vịt chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt có thể làm cho bệnh tật phát sinh trong điều kiện ẩm ướt. Không khí chuồng nuôi chứa nhiều NH3, H2S dễ phát sinh các bệnh đường hô hấp… Do vậy chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng để thay đổi không khí nhưng tránh gió lùa.

Ánh sáng: Thời gian chiếu sáng trong 2 tuần đầu: 23 giờ/ngày. Sau đó giảm dần mỗi ngày một giờ đạt 14 – 18 giờ/ngày. Nên dùng bóng điện treo cách nền chuồng 0,3 – 0,5m. Từ tuần tuổi thứ 5 trở đi sử dụng ánh sáng tự nhiên.

Nước uống: Nước uống cho vịt cần có chất lượng tốt và phải được cấp thường xuyên. Bồn chứa và ống dẫn phải vệ sinh hoặc thực hiện rửa sát trùng đúng thời hạn. Xác định lượng nước uống trên cơ sở đó đánh giá sự phát triển của đàn vịt. Nếu lượng nước uống tiêu tốn bất hợp lý sẽ dẫn đến bất hợp lý trong tiêu tốn thức ăn và hậu quả là vịt phát triển chậm.

* Lưu ý: Vịt con đặc biệt mẫn cảm đối với sự mất nước. Do đó nước là nhu cầu đầu tiên của vịt khi mới xuống chuồng nuôi, sau khi thả vịt vào quây cho vịt uống nước sạch hơi ấm là tốt nhất trong 2 ngày đầu.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho vịt dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất, tốt nhất nên để xen kẽ với máng ăn để vịt uống được thuận tiện. Sử dụng máng uống tròn bằng nhựa loại 2 lít hoặc 5 lít tuỳ theo lứa tuổi của vịt. Cho vịt uống nước sạch và đầy đủ.

Thức ăn và phương pháp cho ăn: Phải đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt. Thức ăn phải cân đối về thành phần giá trị dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của vịt trong từng giai đoạn.

Để vịt ăn được nhiều, hiệu quả chuyển hoá thức ăn tốt cần cho ăn theo bữa, hết thức ăn mới cho ăn tiếp để thức ăn thường xuyên mới có mùi thơm sẽ kích thích vịt ăn được nhiều.

Có thể sử dụng các nguyên liệu thức ăn sẵn có của địa phương với thức ăn đậm đặc của các Hãng để giảm giá thành sản phẩm (thức ăn đậm đặc C25, C61 và các nguyên liệu như khô đỗ, thóc, ngô, bột cá…). Từ lúc vịt 1 ngày tuổi đến khi giết thịt cho vịt ăn tự do, ăn càng nhiều càng tốt.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version