Rau diếp cá hay giấp cá, lá giấp có tên khoa học là Houttuynia cordata Thunnb, cây thảo, sống lâu năm, cao 20-40cm.
Cây diếp cá chủ yếu để ăn sống cùng với các loại rau sống và gia vị khác hoặc ăn với một số món như canh cá, bánh xèo…
Thân ngầm, bò trong đất, màu trắng, có lóng, có rễ ở các mấu.Thân trên mặt đất mọc đứng, nhẵn, màu lục hoặc đỏ tím.
Rau diếp cá là loại rau gia vị. Được sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh – bộ phận dùng là toàn cây tươi hoặc khô. Rau diếp cá có vị chua, cay, mùi tanh, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát khuẩn.
Diếp cá là cây ưa ẩm thấp, có thể mọc hoang dại. Trên đất ẩm và tơi xốp nhiều mùn cây diếp cá phát triển rất xum xuê, xanh tốt. Chịu được hạn nhưng phát triển kém, năng suất thấp, lá già cứng, ưa thích nhiệt độ cao, từ 25 – 35oC.
Thời vụ trồng diếp cá
Diếp cá có thể trồng quanh năm, tốt nhất là đầu mùa mưa.
Làm đất trồng cây diếp cá
- Đất trồng diếp cá được cày bừa kỹ, đất nhuyễn, làm sạch cỏ.
- Diếp cá thích hợp với nhiều loại đất, tốt nhất là đất có nhiều bùn.
- Lên luống với kích thước: chiều dài (chiều dài vườn) x chiều rộng 1 – 1,2 m x chiều cao 10 – 15 cm.
Nhân giống
- Có thể cắt ngang thân của bụi diếp cá hoặc nhổ cả bụi để trồng. Khoảng cách giữa các cây 30 – 40 cm, trồng trực tiếp trên chân đất đã chuẩn bị luống.
- Mỗi ngày tưới nước 2 lần.
- Sau khi trồng khoảng 7 ngày thì rễ mọc và cây bắt đầu phát triển bình thường.
Bón phân cho diếp cá
- Lượng phân bón cho 1.000 m2 như sau :
- Bón lót: Phân chuồng hoai: 2 tấn, phân lân 10 – 15 kg.
- Bón thúc: sau khi trồng khoảng 2 tuần thì dùng 3 kg NPK để tưới cho cây.
Phòng trừ sâu bệnh hại và thu hoạch
- Diếp cá thường ít sâu bệnh hại, chỉ có sâu cắn phá lá, có thể sử dụng Biocin để phun trừ.
- Sau khi trồng 1 – 1,5 tháng là có thể thu hoạch.
Nguồn: Sưu tầm