Đây dường như là một chủ đề muôn thuở mà hầu như người nuôi cá lia thia nào cũng quan tâm.
Cá bột mới nở của lia thia và một số loài cá cảnh nước ngọt khác như cá killi, cá sặc… rất nhỏ, chúng có kích thước xấp xỉ 1 mm trong khi các loại thức ăn ngoài thị trường như bo bo hay kể cả ấu trùng artemia đều có những hạn chế về kích thước và môi trường.
– Ấu trùng bo bo có kích thước tương đương với cá lia thia bột. Mặc dù bo bo mới nở có kích thước chỉ bằng một nửa nhưng chúng lớn rất nhanh. Quan sát trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học phát hiện thấy số lượng bo bo có kích thước nhỏ dưới 0,5 mm là không đáng kể. Mặt khác khi xuất hiện với mật độ cao, chuyển động giật cục của bo bo ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cá dẫn đến số lượng của chúng bị sụt giảm.
– Ấu trùng artemia có kích thước thước khá nhỏ, khoảng 0,5 mm, nhưng chúng chỉ sống được khoảng vài giờ trong môi trường nước ngọt.
– Vì vậy trên thực tế, hai loại thức ăn nêu trên không thích hợp để nuôi cá lia thia bột. Bài viết này nhằm giới thiệu hai loại thức ăn đặc biệt nhỏ và thường được sử dụng để nuôi cá con mới nở rất hiệu quả: đó là trùng cỏ (infusoria) và trùn giấm (vinegar eel).
1. Trùng cỏ
– Trùng cỏ (infusoria) là những sinh vật nguyên sinh hiện diện ở hầu hết các vực nước như ao, hồ, sông và biển. Chúng có kích thước rất nhỏ và là thức ăn vô cùng quan trọng cho cá bột mới nở. Trong ngành chăn nuôi thủy hải sản ở các nước công nghiệp phát triển, người ta thường phân lập và nhân giống đại trà một số loại trùng cỏ như luấn trùng (rotifer) và trùng đế giày (paramecium). Những sinh vật này thuộc về một nhóm trùng cỏ quan trọng gọi là mao trùng (ciliates).
– Trùng cỏ có kích thước nhỏ nhất (khoảng dưới 200 micro mét) so với các nguồn thức ăn khác như bo bo, artemia và trùn giấm. Thực ra, bo bo và artemia mới nở cũng rất nhỏ nhưng chúng tăng trưởng rất nhanh và trở nên quá to để cá bột có thể ăn được. Như vậy, trùng cỏ là thức ăn thích hợp nhất đối với những loại cá bột có kích thước nhỏ chẳng hạn như cá lia thia, betta.
– Ngoài tự nhiên, trùng cỏ hiện diện và tập trung nhiều ở ven bờ ao hồ, kênh rạch, cống rãnh và ruộng lúa; chúng thâm nhập vào cả các hòn non bộ và chậu cảnh qua nguồn thực vật thủy sinh hay thức ăn mà chúng ta mang vào đó. Thức ăn của chúng là vi khuẩn, vi tảo và các loại mùn bã hữu cơ lơ lửng trong nước. Đấy là những nguồn “con giống” mà chúng ta có thể tận dụng để “ươm nuôi trùng cỏ tại gia”.
– Có nhiều phương pháp ươm nuôi trùng cỏ, trong loạt bài viết về nguồn gốc của Plakat Thái tác giả Precha đã khuyên nên bỏ một ít rau muống ao vào chậu ép cá và để ở chỗ tối một thời gian, khi cá con ra đời thì nguồn thức ăn trùng cỏ đã sẵn sàng. Bạn sẽ tự hỏi là con giống trùng cỏ ở đâu mà có? Trùng cỏ luôn hiện diện trên bề mặt thực vật thủy sinh (ở đây là rau muống), khi thực vật bị phân hủy bởi vi khuẩn (hiện tượng thối rữa), lượng vi khuẩn sẽ bùng phát và là nguồn thức ăn dồi dào cho trùng cỏ. Trùng cỏ sinh sôi thật nhiều và đến lượt chúng trở thành nguồn thức ăn cho cá bột mới nở.
– Cách truyền thống ở Việt Nam là ngâm lá xà lách trong nước lấy ở ao hay kênh rạch, thậm chí ở cống rãnh trong khoảng một tuần rồi múc cho cá ăn. Trên thực tế, loại lá cây hay nước trái cây nào cũng được nhưng xà lách rất dễ thối rữa và như vậy quá trình ươm nuôi trùng cỏ được rút ngắn. Nếu bạn tham khảo thêm về các cách ươm nuôi trùng cỏ trên mạng thì sẽ thấy người ta sử dụng đủ loại thực phẩm làm thức ăn cho trùng cỏ chẳng hạn như nước trái cây, vỏ trái cây, đồ ăn thừa… tức bất cứ thứ gì có thể lên men nhanh chóng. Tóm lại, nguyên tắc ươm nuôi rất đơn giản: thức ăn (xà lách, rau muống,… ) –> thối rữa (vi khuẩn sinh sôi) –> trùng cỏ ăn vi khuẩn và sinh sôi –> cá bột ăn trùng cỏ. Ở xứ lạnh, trùng cỏ có thể khan hiếm và phải mua con giống nhưng ở xứ nhiệt đới như nước ta, trùng cỏ có mặt ở khắp mọi nơi và vào mọi thời điểm. Có nơi nào thiếu vắng ao, hồ, kênh rạch, cống rãnh và hòn non bộ.
2. Trùn giấm
Trùn giấm là loại giun tròn cực nhỏ (nematode) sống trong môi trường giấm ăn. Đây là thức ăn tuyệt vời cho cá bột bởi vì chúng có xu hướng bơi tung tăng khắp hồ nên kích thích cá bột đuổi theo để ăn và nhờ vậy mà vây của cá mau phát triển. Mặt khác loại thức ăn này hầu như không cần phải tốn công sức để chuẩn bị như với artemia hay bo bo. Điểm khó khăn duy nhất là làm sao thu hoạch được chúng. Có hai cách mà người ta thường sử dụng để thu trùn giấm:
a) Cách thứ 1
– Khi phát triển quá nhiều, trùn giấm có xu hướng tụ lại ở mép bình giấm. Chúng ngoe nguẩy liên tục và quấn với nhau thành mảng tạm gọi là bọt giấm. Chúng ta có thể sử dụng ống hút (loại có bán ở các tiệm thiết bị y tế) để hút một mảng bọt giấm và nhỏ vào bồn nuôi cá. Để tránh hút theo quá nhiều giấm, hãy điều chỉnh để đầu hút đụng vào mảng bọt giấm và nhả nhẹ núm cao su cho đến khi mảng bọt đi vào ống hút thì nhấc lên. Một mảng nhỏ sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến độ pH của bồn và cung cấp hàng ngàn con trùn giấm làm thức ăn cho cá con. Mảng giấm có khả năng bị chìm xuống đáy bồn vì vậy chúng ta nhỏ giọt giấm vào ống nghiệm chứa sẵn một ít nước hồ, lắc nhẹ vài phút để bọt giấm tan ra và nhỏ vào nhiều vị trí khác nhau trong hồ để dàn đều thức ăn cho bầy cá con.
– Người ta nhận thấy bình càng nhám thì bọt giấm càng nhiều nên trước khi nuôi giấm người ta dùng giấy nhám chà mặt trong của bình! Vật liệu dùng để nuôi giấm là táo tây xay vụn, bọt giấm thường xuất hiện sau khi bắt đầu nuôi một tuần. Nếu bạn cho đẻ nhiều lứa cá thì số lượng bình nuôi dấm cũng phải nhiều tương ứng.
b) Cách thứ 2
– Sử dụng một cái bình có cổ (bên trái là chai giấm ăn).
– Đổ dấm đầy gần đến cổ bình.
– Cho vào một miếng bông lọc (loại sử dụng để lọc cho hồ cá) nhưng đưòng đẩy bông quá sâu để nó khỏi lọt luôn xuống bình dấm. Đổ thêm một ít nước vào bình và để qua đêm (nên sử dụng nước cũ như nước hồ cá).
– Trùn giấm sẽ chui lên lớp nước phía bên trên để thở. Dùng ống hút lớp nước phía trên mặt bông đem đi nuôi cá bột.
– Lưu ý: Cách này thu hoạch hầu hết trùn giấm trong dung dịch vì vậy sau khi thu hoạch cần đổ giấm trở lại bồn cũ và nuôi tiếp trong vài tuần cho đến khi trùn sinh sôi trở lại.
Nguồn: Diendancacanh.com.
Tìm bài này trên Google:
- cá chọi ăn gì