Site icon Nuoitrong123

Từ người mua phế liệu trở thành chủ trang trại quy mô lớn

Từ người mua phế liệu trở thành chủ trang trại quy mô lớn - images749501 img 0086

Vốn có niềm đam mê làm kinh tế trang trại, đã từ lâu ông Nguyễn Văn Đồng (59 tuổi, trú thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị) muốn xây dựng một mô hình chăn nuôi và làm giàu bền vững.

Khởi đầu chỉ với nghề buôn bán phế liệu, sau một thời gian, ông tích cóp vốn kinh doanh vật liệu xây dựng nhỏ lẻ rồi dần dần mở rộng thành đại lý. Để thực hiện đam mê chăn nuôi, ông sử dụng tất cả số vốn dành dụm được đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn chủ yếu nuôi lợn và mang về nguồn lợi nhuận gần 400 triệu đồng mỗi năm.

Trang trại của ông Đồng nằm trên quả đồi nơi mảnh đất bán sơn địa vùng Cùa, xa khu dân cư, được xây dựng có tính toán để luôn ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè và có quy mô lớn nhất nhì trong vùng.

Mặc dù bên ngoài thời tiết đang rét mướt, thế nhưng bên trong trang trại, hơn 1.000 con lợn của ông Đông được sưởi ấm trong khu chuồng sạch sẽ, không mùi hôi. Vừa dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại, ông Đồng cho biết: “Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, thuở bé hàng ngày đã quen với việc chăn trâu cắt cỏ thuê, nuôi lợn, nuôi gà. Năm 1984, sau khi rời quân ngũ, tôi trở về quê hương sống bằng rất nhiều nghề từ trồng trọt rồi buôn bán nhưng vẫn chỉ đủ ăn qua ngày. Dần dần, nhận thấy mô hình chăn nuôi đã giúp nhiều người giàu lên nhanh chóng, tôi nuôi giấc mơ làm giàu bằng chăn nuôi từ đó. Và hôm nay, tôi đã có trong tay một trang trại quy mô mà nhiều người mong ước”.

Thuở ban đầu, ông làm việc ở Hợp tác xã địa phương. Sự nghèo khó vẫn ngày đêm đeo bám cuộc sống của hai vợ chồng ông. Nhưng ông quyết tâm phải thoát nghèo, đầu óc của ông luôn suy nghĩ, đôi tay ông làm việc không ngừng nghỉ để tính cách làm giàu. Sau một thời gian buôn bán phế liệu, vợ chồng tích cóp được một số vốn, ông vay thêm vốn ngân hàng để kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng vẫn còn nhỏ lẻ. Những ngày đầu, ông chỉ nhập về vài chục bao xi măng, ít sắt thép… để phục vụ bà con quanh xóm. Khi đã có nhiều vốn, ông sắm thêm máy móc đúc bờ lô, thuê nhân công, dần dần mở ra đại lý vật liệu xây dựng quy mô nhất nhì vùng Cùa.

Khi đã có vốn, tuổi lại khá cao nên ông Đồng quyết định lập trang trại chăn nuôi lợn. “Công việc kinh doanh buôn bán tạo cho tôi áp lực lớn. Cho nên tôi quyết định mở trang trại chăn nuôi, trồng trọt… Đây là công việc phù hợp để làm giàu khi về già, vừa thỏa mãn niềm đam mê của tôi, lại mang về thu nhập cao và ổn định hơn”, ông Đồng chia sẻ.

Sau khi lập trang trại, để tránh rủi ro ở những bước khởi đầu, ông Đồng tham gia học tập các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… do Hội Nông dân huyện Cam Lộ tổ chức. Ông còn tham khảo sách, báo, đi thực tế ở nhiều tỉnh nhằm rút kinh nghiệm trong chăn nuôi và phòng chữa bệnh cho vật nuôi. Nhờ thế, trang trại nuôi lợn của ông phát triển tốt.

Năm 2013, khi có trong tay một nguồn vốn kha khá cộng thêm vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Đồng xây dựng trang trại nuôi lợn công nghiệp khép kín, quy mô 1.000 con ngay trong vườn cao su 3 ha của gia đình. Chuồng trại có hệ thống làm mát, máng ăn, uống tự động, đèn sưởi ấm… nên lợn ông nuôi nhanh tăng trọng. Mỗi năm, ông Đồng xuất bán 2 lứa, lãi ròng hơn 400 triệu đồng. “Để nuôi lợn công nghiệp thì nguồn điện chạy hệ thống thông gió, làm mát là hết sức quan trọng. Ngoài ra phải chọn giống tốt, chăm sóc, vệ sinh, tiêm phòng lợn kỹ càng, đặc biệt với lợn chưa đầy 1 tháng tuổi”, ông Đồng chia sẻ.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, hiện nay ông Đồng nuôi thêm 10 con lợn rừng vừa để nhân giống chăn nuôi của mình và trồng thêm nhiều cây công nghiệp ngắn ngày… để tăng thu nhập. Để tận dụng nguồn phế phẩm từ lợn, thời gian tới ông Đồng dự định đào 1 ha ao hồ để nuôi cá. Hiện nay trang trại của ông Đồng đang tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, mức tiền công 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Khi cuộc sống gia đình đã khấm khá, ông Đồng không quên những bà con lối xóm từng giúp đỡ mình khi khó khăn. Ông thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ bà con thôn, xã về kỹ thuật, nguồn vốn, kinh nghiệm thoát nghèo. Với những gì đã làm được, ông Đồng nhận được nhiều lời khen ngợi từ bà con hàng xóm và chính quyền địa phương.

Nguồn: Báo Quảng Trị

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version