Site icon Nuoitrong123

Xuất khẩu rau quả Việt phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng lớn

Xuất khẩu rau quả Việt phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng lớn - xuat khau rau qua viet phu thuoc vao trung quoc ngay cang lon

Xuất khẩu rau quả Việt phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng lớn là một vẫn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý. Thị phần của các quốc gia nhập khẩu rau quả của Việt Nam nhiều nhất đều giảm, trừ Trung Quốc …

Nếu như năm ngoái, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, thì sang đến năm nay, con số này đã tăng lên 77,3%.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 3/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2018 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt 649,6 triệu USD, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với 502,1 triệu USD, tăng 62,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu rau quả nhiều thứ hai của Việt Nam, song giá trị khá khiêm tốn, với 18,4 triệu USD, chỉ chiếm 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Nhật Bản đứng thứ ba khi nhập khẩu 17,4 triệu USD rau quả từ Việt Nam, chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả.

Tiếp theo là các quốc gia Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan… cùng đứng trong top 10 quốc gia nhập khẩu rau quả của Việt Nam nhiều nhất.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính là thị phần xuất khẩu mặt hàng này. Theo đó, mặc dù giá trị nhập khẩu rau quả từ 9 thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên thị phần của 8/9 quốc gia đều giảm, chỉ duy nhất ở thị trường Trung Quốc là tăng.

Cụ thể, nếu như năm 2017, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, thì đến đầu năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 2,8%.

Tương tự, xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản mặc dù tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, thấp hơn mức 3% của cùng kỳ năm 2017.

Thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… cũng lần lượt giảm từ 2,9%; 2,2%; 2,6% xuống còn 1,9%; 1,3% và 1,2%.

Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc lại tăng đến 62,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm đến 77,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, cao hơn nhiều so với mức 73,6% của cùng kỳ năm 2017.

Những con số này đã cho thấy, thị trường Trung Quốc đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, một số thông tin gần đây cho biết, từ ngày 1/4/2018, hoa quả Việt Nam khi xuất khẩu sang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ; bao gồm: tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh…

Thực tế hiện nay, phần lớn hoa quả từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và không được dán nhãn xuất xứ. Trong đó, Quảng Tây là một trong hai tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, cũng là thị trường chính của hoa quả Việt Nam. Quảng Tây cũng được coi là điểm trung chuyển cho hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.

Trao đổi với báo chí về thông tin này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, những quy định mới từ Trung Quốc là biện pháp giúp bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Đây là việc mà các nước trên thế giới đều làm và Việt Nam hiện cũng đang thực hiện khi xuất khẩu sang các thị trường khác.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại cho biết, chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc và hiện nay, việc thông thương giữa các cửa khẩu của 2 nước vẫn diễn ra bình thường, chưa có gì thay đổi.

Theo Duyên Duyên
Vneconomy

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version