Thỏ đực già: Thỏ đực giống thường nuôi đến hết năm tuổi thứ ba thì bị xem là già, do suy kiệt sức lực nên giảm khả năng truyền giống. Nhìn bề ngoài thấy nhiều con vẫn còn hăng hái, nhưng cho phối giống cũng giảm tỉ lê đậu thai ở thỏ cái. Những con đực giống này chủ nuôi đành phải cho thải loại ra nuôi thúc để bán thịt. Trừ những con thỏ đực giống đã lớn tuổi nhưng khả năng truyền giống còn tốt mới được giữ lại nuôi tiếp mà thôi.
Thỏ cái già: Thỏ cái giống nếu cho sinh sản đúng phương pháp, mỗi năm chỉ cho đẻ khoảng năm sáu lứa thì có thể khai thác đến năm tuổi thứ tư, hoặc lâu hơn. Những thỏ mắn đẻ mỗi tháng một lứa, mỗi năm bụng mang dạ chửa đến cả chục lần thì chỉ sinh sản khoảng hai năm đã kiệt sức. Thỏ cái đã già thì ít đậu thai và đẻ ít con. Con nó sinh ra cũng không thể để giống được vì sinh trưởng kém. Chỉ những thỏ mẹ trong giai đoạn còn sung sức nhất, các lứa con sinh ra trong năm tuổi thứ hai mới được chọn để giống mà thôi.
Thỏ già do nuôi tiếp không lợi nên phải loại thải vỗ béo trong một vài tháng cho trơn da mướt lông rồi bán thịt. Ngoài ra, trong số thỏ nuôi thịt còn có số thỏ đực, thỏ cái lúc còn tơ đã không đạt chuẩn để giống. Những thỏ này được loại dần ra từ các được tuyển lựa con giống.
Thỏ cái dạt ra nuôi thịt dù già hay còn tơ cũng không cần thiến, nhưng với thỏ đực thì dù ở vào lứa tuổi nào cũng cần thiến thì chúng mới mau mập, và thịt mới thơm ngon.
Cách nuôi thỏ thịt như sau
Nuôi tập thể: Nuôi thỏ thịt không cần đến những ngăn chuồng rộng rãi và cũng không nuôi cách ly mỗi con một ngăn như nuôi thỏ để giống đực, cái. Nên chọn thỏ cùng lứa để nuôi tập thể với nhau, là vài ba con đến cả chục con trong một ngăn chuồng, tuỳ vào diện tích chuồng đó rộng hẹp ra sao. Nuôi thỏ thịt theo cách tập thể sẽ mang lại cho ta nhiều điều lợi như:
Không tốn nhiều diện tích chuồng: Trung bình một mét vuông sàn chuồng có thể nuôi được từ bốn đến bảy con thỏ thịt giống lớn. Nuôi chật như vậy chúng mới bớt vận động nên mau mập.
Thỏ thịt mau lớn: do tranh giành nhau ăn uống nên thỏ rất mau lớn
Ít công chăm sóc: Công cho ăn uống, cộng với công quét dọn vệ sinh chuồng trại tuy nhiều, nhưng một lần làm lo được cùng lúc cho nhiều con nên làm nhiều mà thành ít.
Sở dĩ cần nuôi thỏ cùng lứa với nhau là để chúng không thể tranh ăn hết phần của nhau, và nhờ đó mà lớn đồng đều nhau.
Muốn thỏ thịt mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng để chóng “xuất chuồng” thì nên cung cấp nhiều thức ăn bổ dưỡng, giàu đạm như rau cỏ tươi, các loại củ quả và cả thức ăn viên.
Bản tính của thỏ là thích ăn đêm, cho nên bữa đêm mới là bữa ăn chính của chúng. Tối lại, ta nên dồn cỏ vào đầy máng, đồng thời cung cấp thêm thức ăn ngũ cốc như lúa gạo hay cám viên. Nhờ được ăn nhiều, ăn no đủ nên thỏ thịt chóng tăng cân.
Nguồn: Sưu tầm