Nội dung chính
Một trong những yếu tố quan trọng để tăng năng suất nuôi thâm canh cá rô phi là quản lý tốt sức khỏe vật nuôi.
Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có điều kiện khí hậu ấm áp để sản xuất cá rô phi hướng tới mục tiêu xuất khẩu nhưng đồng thời đó cũng là môi trường cho bệnh tật phát triển.
Tuy là loài cá nuôi bị sốc với biến đổi của môi trường và có khả năng kháng một số bệnh nhưng trong quá trình ương nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm thường gặp một số bệnh sau:
1. Bệnh xuất huyết
Tác nhân gây bênh:
Cầu khuẩn Streptococcus sp, Gram dương.
Dấu hiệu bệnh lý:
Ðầu tiên cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết; máu loãng; thận, gan, lá lách mềm nhũn. Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.
Phân bố và lan truyền bệnh:
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nước ngọt. Khi nuôi cá rô phi năng suất cao trong hệ tuần hoàn khép kín, cá dễ phát bệnh. Bệnh có thể lây cho người khi chế biến cá không vệ sinh an toàn.
Phòng trị bệnh:
Bón vôi (CaO hoặc CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2) tùy theo pH môi trường, liều lượng 1-2kg/100m3, 2 – 4 lần/tháng.
Dùng Erythromyxin: trộn vào thức ăn từ 3-7 ngày, dùng 2-5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1-2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100kg cá, từ ngày thứ 3-5 giảm còn một nửa. Thuốc KN-04-12 cho ăn 4g/1kg cá/ngày và 3 – 6 ngày liên tục. Vitamin C phòng bệnh xuất huyết, liều dùng thường xuyên 20 – 30mg/1kg cá /ngày, liên tục 7-10 ngày.
2. Bệnh viêm ruột
Tác nhân gây bệnh:
Vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Gram âm.
Dấu hiệu bệnh lý:
Tương tự bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp. Bệnh tích điển hình ruột trương to,chứa đầy hơi.
Phân bố và lan truyền bệnh
Thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
Phòng trị bệnh
Dùng một số kháng sinh cho cá ăn như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin, liều dùng 10 – 12 g/ 100 kg cá/ngày đầu, từ ngày thứ 2-7 liều bằng 1/2 ngày đầu; thuốc KN-04-12.
3. Bệnh trùng bánh xe
Tác nhân gây bệnh:
Một số loài trong họ trùng bánh xe Trichodinidae như : Trichodina centrostrigata, T. domerguei domerguei, T. heterodentata, T. nigra, T. orientalis, Trichodinella epizootica, Tripartiella bulbosa, T. clavodonta.
Dấu hiệu bệnh lý:
Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.
Phân bố và lan truyền bệnh
Trùng bánh xe gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá giống, là bệnh ký sinh đơn bào nguy hiểm nhất của giai đoạn này. Trùng bánh xe ít gây bệnh ở giai đoạn cá thịt. Khi ương cá trong nhà, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tỷ lệ chết cao 70-100%. Bệnh thường phát vào mùa xuân, mùa thu, khi nhiệt độ nước 25-30 độ C.
Phòng trị bệnh
Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g cho 1 m3 nước). Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20-25 ppm (20-25 ml/m3) phun xuống ao.
4. Bệnh trùng quả dưa
Tác nhân gây bệnh: trùng quả dưa Ichthyophthyrius multifiliis.
Dấu hiệu bệnh lý: Da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường (người nuôi cá còn gọi là bệnh vẩy nhót . Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.
Cá bệnh nổi đầu trên tầng mặt, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.
Phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi lưu qua đông ở miền Bắc hoặc nuôi trong nhà, thường bị bệnh trùng quả dưa làm cá chết hàng loạt. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng xanh malachit phun trực tiếp xuống ao hoặc bể kính với nồng độ 0,1- 0,3 ppm 2 lần/tuần.
– Cá nuôi lồng vào mùa phát bệnh thường xuyên treo xanh malachit trong lồng, liều lượng 5g/10m3 lồng.
– Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc phun xuống ao với nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3), 2 lần/tuần.
5. Bệnh sán lá đơn chủ
Tác nhân gây bệnh: sán lá đơn chủ Cichlidogyrus tilapiae, C. sclerosus, Gyrodactylus niloticus
Dấu hiệu bệnh lý: Cichlidogyrus, Gyrodactylus ký sinh trên da và mang cá, làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá. Tổ chức da và mang có sán ký sinh bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.
Phân bố và lan truyền bệnh
Cá có thể bị bệnh khi ương giống với mật độ dày và có thể gây chết hàng loạt trong giai hoặc bể ương. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa thu, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút
– Dùng KMnO4 nồng độ 20 ppm (20g/m3) tắm cho cá 15 -30 phút
– Dùng formalin nồng độ 200 – 250 ppm (200 – 250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20 – 25 ppm (20 – 25 ml/m3) phun xuống ao.
6. Bệnh rận cá
Tác nhân gây bệnh: rận cá Caligus sp.
Dấu hiệu bệnh lý: Rận cá thường ký sinh ở vây, mang cá rô phi, làm cho da cá bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác xâm nhập, vì vậy nên nó thường cùng lưu hành với bệnh đốm trắng, bệnh đốm đỏ, lở loét nên dẫn đến làm cá chết hàng loạt. Cá bị Caligus ký sinh có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.
Phân bố và lan truyền bệnh
Rận cá ký sinh ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi nuôi mật độ dày, rận cá ký sinh đã gây chết hàng loạt ở các đầm nước lợ hoặc nước ngọt.
Phòng trị bệnh
– Dùng KMnO4 nồng độ 3-5 ppm (3-5g/m3) hoặc chlorin nồng độ 1ppm (1g/m3) phun xuống ao.
– Dùng formalin nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3) phun xuống ao.
Nguồn: vietlinh.vn