Site icon Nuoitrong123

Cách phòng trừ sâu bệnh trên cây Hành

Sâu bệnh chủ yếu là sâu đục củ hành, bệnh thán thư, bệnh mốc đen, bệnh thối ướt vi khuẩn.

Huyện Kinh Môn với diện tích cây trồng vụ đông năm nay 3.500 ha, thì cây hành chiếm diện tích khoảng 2.300 ha, là một trong những huyện có diện tích trồng hành lớn nhất tỉnh Hải Dương với nhiều xã trồng hành nổi tiếng như Hiệp Hoà, Phúc Thành, Đăng Long, Thanh Long, An Phụ, Lệ Ninh, Bạch Đằng, Thái Sơn…

Giống hành trồng phổ biến ở Kinh Môn là giống hành ta gốc Kinh Môn (khoảng 80% diện tích), năng suất hành thu được hàng năm đạt từ 5 – 6 tạ/sào Bắc bộ, tuy chưa cao so với tiềm năng song với lợi nhuận thu được bình quân 1 hành bằng 3- 5 lần/lúa, bà con nông dân cũng phấn khởi đặt nhiều hy vọng vào cây hành vụ đông.

Điều bà con cần quan tâm ở đây là năng suất hành còn thấp và chưa ổn định trong đó nổi lên 2 vấn đề lớn cần phải giải quyết đó là sâu bệnh hại và vấn đề bảo quản giống hành sau thu hoạch. Năng suất, phẩm chất củ hành còn thấp do những nguyên nhân chủ yếu sau:

– Giá giống cao (bình quân trên 30.000 đồng/kg) do khâu bảo quản giống khó khăn, thời gian bảo quản dài (từ 7-8 tháng), vì vậy lượng củ giống hao hụt rất lớn, có nơi mất 70-80%. Mặt khác củ giống hành thường bị nhiều loại sâu bệnh phá hại, việc chọn lọc và xử lý giống trước khi trồng chưa đảm bảo.

– Nhiều vùng trong huyện trồng hành độc canh, liên tiếp nhiều vụ không luân canh nên nguồn sâu bệnh tích luỹ nhiều trong đất, dễ có nguy cơ hình thành dịch khi có điều kiện thuận lợi.

– Khâu làm đất chưa kỹ, nhiều nơi không kịp phơi ải, dẫn đến nguồn sâu bệnh và cỏ dại còn tồn tại nhiều trong đất, đặc biệt trên những ruộng hành không chú ý vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch.

– Do bón phân NPK không cân đối (nhiều nơi bón quá nhiều phân lân), thiếu phân hữu cơ, nhất là thiếu nhiều khoáng chất vi lượng cần thiết.

– Một vấn đề nữa cần lưu ý sau khi trồng hành, bà con nông dân thường che phủ củ hành bằng rơm rạ, trên rơm rạ ẩm ướt hoặc chưa hoai mục có vô số hạch nấm và sợi nấm của nhiều loài nấm có nguồn gốc trong đất như nấm thối gốc mốc trắng, nấm thối gốc lở cổ rễ… dễ dàng lây nhiễm sang phá hại cây hành.

*Đối với cây hành đang sinh trưởng vụ đông, thường bị phá hại bởi các loại sâu, bệnh chủ yếu sau:

+ Về sâu hại phổ biến là sâu xanh da láng, sâu xám, dòi đục lá, bọ trĩ, nhện trắng.

+ Về bệnh hại chủ yếu là bệnh đốm khô lá hành, bệnh thán thư, bệnh sương mai, bệnh thối ướt vi khuẩn, bệnh mốc xám và mốc đen do nấm…

*Ở giai đoạn sau thu hoạch trong thời gian bảo quản hành: Sâu bệnh chủ yếu là sâu đục củ hành, bệnh thán thư, bệnh mốc đen, bệnh thối ướt vi khuẩn… Để phòng trừ sâu bệnh hại cây hành cần chú ý phòng trừ kịp thời, triệt để theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, trên nguyên tắc 4 đúng và phương châm quản lý dịch hại tổng hợp từ trước khi trồng đến thời kỳ bảo quản. Sau đây là một số biện pháp cụ thể góp ý để người trồng hành tìm hiểu ứng dụng:

+ Chọn củ hành giống chắc, đáy tròn, màu tím đậm, không mọc rễ non, không bị sâu bệnh hại hoặc giập nát để trồng. Nên xử lý củ giống bằng dung dịch thuốc Nativo 750 WG nồng độ 1% (3gr/3lít nước) + thuốc trừ vi khuẩn Kasumin 2L (1%) phun ướt đều cho 15 kg hành giống trước khi trồng.

+ Hoặc xử lý củ giống bằng cách ngâm vào dung dịch Rovral 50 WP 2% + Kasumin 2 L (1%) trong thời gian 5 – 10 phút.

+ Xử lý cây con sau khi trồng để phòng trừ sâu bệnh hại: Pha 1 gói Nativo 750 WG (3g) + 1 gói Confidor 700 WG (1g) + Kasumin 2L (1%) cho 1 bình 12 lít phun 1,5 bình cho 1 sào Bắc bộ (360 m2).

+ Nên luân canh cây hành với lúa nước hoặc cây trồng khác họ.

+ Ngoài việc làm đất kỹ, phơi ải, lên luống cao thoát nước tốt, cần chú ý bón lót bằng phân chuồng hoai mục (5-7 tạ/sào Bắc bộ), bón lót thêm vôi bột.

+ Về phân hoá học cần chú ý bón cân đối N-P-K, có thể bổ sung khoáng chất tinh khiết cho cây hành bằng cách phun trên lá thuốc Bayfolan 11-8-6 của công ty Bayer sau khi trồng 2 tuần với liều lượng 25ml /8lít nước hoặc 50 ml/16 lít nước để cân bằng dinh dưỡng, bổ sung vi lượng và tăng sức đề kháng cho cây hành.

+ Để hạn chế cỏ dại có thể rải hoặc phun thuốc Raft 800 WG với liều lượng 130g/ha có tác dụng diệt nhiều loại cỏ dại, tiết kiệm chi phí và làm tơi xốp đất.

+ Để phòng trừ sâu xanh da láng, ruồi đục lá có thể dùng luân phiên một số loại thuốc sau: Regent 800 WG (32 g/ha), Buldock 025 EC (0,75 lít/ha) hoặc Decis Repel 2,5 EC (0,5 lít/ha).

– Phòng trừ bọ trĩ, nhện trắng dùng Confidor 100 SL (0,5 lít/ha) hoặc Confidor 700 WG (0,04 kg/ha), Admire 200 OTEQ (0,2 lít/ha).

– Về bệnh hại

Để phòng trừ các bệnh đốm khô lá hành, bệnh mốc xám, thán thư có thể dùng Nativo 750 WG (0,12 kg/ha), Antracol 70 WP (2 kg/ha) hoặc Rovral 50 WP khi bệnh mới xuất hiện trên lá.

– Đối với bệnh sương mai: Dùng Aliette (1,5 kg/ha), hoặc Melody Duo 66,75 WP (1,5 kg/ha).

– Phải đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch 7 ngày – 14 ngày.

* Thu hoạch hành

Nên chọn ngày nắng ráo, khi để giống cần loại bỏ những củ bị sâu bệnh, giập nát, sây sát và không cắt lá khi hành chưa khô. Để bảo quản hành sau khi thu hoạch cần chú ý phơi khô cả mặt trên và mặt dưới của bó hành. Trong quá trình bảo quản củ hành cần chú ý đảm bảo khô ráo, thông thoáng vì nhiệt độ cao và ẩm ướt là yếu tố cơ bản dẫn đến củ hành giống bị hao hụt và sâu bệnh phá hại nhiều.

Nguồn:sưu tầm

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version