Được nhập vào nước ta cách đây gần mười năm, ếch Thái Lan Rana tigerina là vật nuôi thích hợp với nhiều sinh cảnh khác nhau, tương đối ít bệnh, sống được ở mật độ cao và cho năng suất lớn.
Nuôi ếch giống Thái Lan rất dễ, mau lớn, thức ăn dễ kiếm, thời gian nuôi ngắn, chi phí đầu tư rất thấp. Anh Nguyễn Thái Bình (Ấp Hậu xã Tân Thông Hội – Huyện Củ Chi – TP. HCM) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch Thái Lan:
Chuẩn bị chuồng trại:
Có thể xây hồ, đóng cọc bạt ni lông xung quanh, nuôi bằng lưới, lồng trong ao đất, kênh rạch … Mực nước ổn định từ 10-20cm, nước phải sạch không bị ô nhiễm, có độ pH từ 6-7,5.
Xử lý hồ:
Dùng giấm hay acid citric liều lượng 300g cho 10 m vuông, xả nước vào ngâm sau 10 ngày mới thả giống.
Mật độ thả:
Trung bình từ 80-100 con/m vuông.
Chăm sóc:
Thức ăn sử dụng cho ếch chủ yếu là cám viên nổi (dùng cho cá da trơn) tùy theo từng giai đoạn mà cho ănl oại cám viên có kịch cỡ phù hợp, cám nhỏ nhất từ 1-10mm tương đương với ếch cỡ từ 1-10cm. Mỗi ngày, cho ăn từ 3-4 lần, nên thay nước thường xuyên 2-3 ngày một lần (lưu ý sau khi thả ếch con, ta không nên cho ăn ngay mà phải để cách 6 giờ mới cho ăn).
Phòng ngừa và chữa bệnh:
Thường xuyên kiểm tra vệ sinh sạch sẽ, khi phát hiện bệnh phải cách ly ngay, ếch thường mắc bệnh chướng hơi, bệnh đỏ chân, bệnh da nhợt nhạt. Trị bệnh chướng hơi dùng Metronidazole trộn vào thức ăn liều lượng 3-5g/kg thức ăn cho ăn liền 1 tuần; trị bệnh đỏ chân: giảm hàm lượng thức ăn và cho 0,5% muối ăn vào nước hồ, sử dụng Oxytetraciline và Nitrofurantoin liều lượng 3-5g/kg thức ăn cho ăn trong 7-14 ngày …
Theo thông tin từ Trang TTĐT Khoa học Phổ thông, trong quy trình nuôi khép kín, phải kích thích ếch sinh sản nhân tạo. Phương thức phổ biến hiện nay là tiêm các hoạt chất như LHRH-A – một loại peptid tổng hợp kích thích tuyến yên tiết kích dục tố để gây chín và rụng trứng – hoặc HCG (kích dục tố màng đệm người). Cả LHRH-A và HCG đều cho kết quả sinh sản tương đối khả quan. Tuy nhiên chúng là những hormon có bản chất hóa học là protein hoặc peptid nên cần được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thấp (trong tủ lạnh) và vô trùng (bảo quản trong lọ kín hoặc ampul).
Vừa qua trong một nghiên cứu cho đề tài luận văn cao học ở khoa sinh, Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, progesteron đã được dùng thử nghiệm để kích thích ếch đẻ. Ở liều tối ưu và cao hơn, progesteron cho tỷ lệ đẻ 100%. Tỷ lệ thụ tinh của trứng ếch được kích thích bằng progesteron là khoảng 97%, cao hơn nhiều so với dùng LHRH-A (60%). Tỷ lệ nở (số nòng nọc mới nở trên số trứng được thụ tinh) của hai cách kích thích là tương đương.
Ngoài ra, theo nguyên lý, thời gian tái thành thục của ếch (thời lượng giữa hai lần đẻ liên tiếp) trong trường hợp dùng progesteron (trong thí nghiệm là 60 ngày) ngắn hơn so với dùng LHRH-A.
Ngoài ra, progesteron ở cả hai dạng là tinh thể và dung dịch đều chịu được nhiệt độ cao (trên 1000C) và không bị phân hủy bởi vi sinh vật. Giá thành của một liều thuốc kích thích ếch sinh sản của progesteron cũng thấp hơn nhiều so với LHRH-A. Rõ ràng progesteron là hoạt chất rất có triển vọng để kích thích sinh sản không những cho cá mà cả cho các loài ếch.
Nguồn: nghenong.com