Đưa giống mới có giá trị kinh tế và phù hợp với môi trường là mục tiêu quan trọng của phát triển nông nghiệp ven đô thị. Ếch cung cấp cho thị trường vẫn chủ yếu dựa vào đánh bắt trong tự nhiên. Việc nuôi ếch chưa phát triển tại Việt Nam, chủ yếu là nuôi quãng canh, lệ thuộc vào con giống và thức ăn tự nhiên. Nuôi ếch thâm canh, sẽ mở rộng khả năng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản, cũng như giảm áp lực khai thác trong tự nhiên.
CÁC GIỐNG ẾCH PHỔ BIẾN
Ếch đồng tại Việt Nam (RANA TIGERINA)
– Kích cỡ trung bình 150 – 200gr
– Con giống từ tự nhiên đem về nuôi
– Thức ăn là côn trùng, con mồi di động
– Khả năng thích nghi kém với điều kiện nuôi giữ và nuôi chưa có hiệu quả kinh tế
ẾchThái Lan (RANA RUGULOSA)
– Có kích cỡ lớn (200 – 400gr)
– Được thuần hóa từ lâu và nhập vào Việt Nam từ 2 năm nay.
– Khả năng thích nghi điều kiện nuôi giữ và ăn mồi tỉnh như thức ăn viên.
Ếch Bò (RANA CATESBEIANA)
– Nguồn gốc Nam và Trung Mỹ (Cu Ba, Mexico, Braxil)
– Kích cỡ rất lớn (500 – 900gr)
– Trước đây có nhập vào Việt Nam, khả năng thích nghi kém nên không phát triển.
– Có thể là sinh vật gây hại do khả năng phát triển nhanh, thống trị các giống loài ếch khác.
– Là đối tượng được nuôi tại Nam Mỹ và một số quốc gia.
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA ẾCH THÁI LAN
Ếch Thái Lan là loài lưỡng cư, chu kỳ sống có 3 giai đoạn:
– Nòng nọc (nở từ trứng đến khi mọc đủ bốn chân): Sống hoàn toàn trong môi trường nước (21 – 28 ngày). Ăn các loài động vật phù du.
– Ếch giống (2 – 50gr): Thích sống trên cạn gần nơi có nước. Thức ăn tự nhiên: Côn trùng, con nhỏ, giun, ốc. Sử dụng được thức ăn viên. Giai đoạn này ếch ăn lẫn nhau khi thiếu thức ăn.
– Ếch trưởng thành (200 – 300gr): Sau 8 – 10 tháng ếch đã trưởng thành và có thể thành thục sinh sản.
Nguồn nước nuôi ếch Thái Lan
– Độ mặn: Ếch phải nuôi nơi có nước ngọt hoàn toàn, độ mặn không quá 5 phần ngàn.
– pH nước trong khoảng 6,5 – 8,5. Nước quá phèn phải xử lý vôi trước khi cho vào ao nuôi.
– Nguồn nước không bị ô nhiễm chất hữu cơ và nước thải công nghiệp. Có thể sử dụng nước giếng, nước sông hay nước ao.
– Nhiệt độ nước thích hợp trong khoảng 25 – 32oC , tốt nhất là 28 – 30oC
Dinh dưỡng và thức ăn của ếch
Trong tự nhiên, ếch là loài ăn động vật sống. Con mồi phải di động như các loài côn trùng, giun, ốc…Kích cỡ con mồi thường phải lớn và di động. Nhu cầu dinh dưỡng của ếch khá cao, tương tự như những loài cá ăn tạp thiên động vật. Thức ăn phải đầy đủ dưỡng chất.
Thức ăn ếch Thái Lan đã được thuần hoá nên sử dụng được thức ăn tĩnh như thức ăn viên nổi hay thức ăn tự chế biến (cá tạp băm nhỏ, cám nấu…). Các loài ếch đồng Việt Nam, do chưa thuần hóa nên chỉ ăn những thức ăn di động như côn trùng, giun…và hoàn tòan không sử dụng thức ăn viên nổi.
CÁC MÔ HÌNH NUÔI ẾCH THÁI LAN
– Nuôi trong bể xi măng: Thích hợp vùng ven đô thị có diện tích đất giới hạn (tận dụng chuồng trại cũ hay bể xi măng bỏ không)
– Nuôi trong ao đất: Thích hợp vùng ven đô thị hay nông thôn có diện tích đất khá lớn
– Nuôi trong giai (vèo, mùng lưới), đăng quầng: Thích hợp vùng có ao hồ lớn có thể vừa nuôi ếch kết hợp với nuôi cá.
1- Nuôi ếch trong bể xi măng
Bể có diện tích trung bình 6 – 30m2 (2×3, 2×5, 3×5, 4×6, 5x6m), độ cao 1,2 – 1,5m để tránh ếch nhảy ra. Đáy ao nên có độ nghiêng khoảng 5o để dễ thay nước. Nên che lưới ni lon trên bể để tránh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ (có thể sử dụng lưới lan). Không nên che mát hoàn toàn bể nuôi. Mực nước trong ao khống chế ngập 1/2 – 2/3 thân ếch. Nên thường xuyên phun nước tưới ếch nhất là vào lúc trưa nắng.
Mật độ thả nuôi:
– Tháng thứ nhất: 150 – 200 con/m2
– Tháng thứ hai: 100 – 150 con/m2
– Tháng thứ ba: 80 – 100 con/m2
Sau khi thả nuôi 7 – 10 ngày phải kiểm tra, lựa nuôi riêng những con ếch lớn vượt đàn để tránh sự ăn lẫn nhau. Khi ếch đạt trọng lượng 50 – 60gr sự ăn nhau giảm. Thường xuyên thay nước. Nước thay có thể là nước sông, nước giếng, nước ao nhưng phải đảm bảo sạch. Cho ăn nhiều lần trong ngày:
– Ếch giống (5 – 100gr): 3 – 4 lần trong ngày. Lượng thức ăn 7 – 10% trọng lượng thân.
– Ếch lớn (100 – 250gr): 2 – 3 lần/ngày. Lượng thức ăn 3 – 5% trọng lượng thân
Ếch ăn mạnh vào chiều tối và ban đêm hơn ban ngày (lượng thức ăn vào chiều tối và ban đêm gấp 2 – 3 lượng thức ăn ban ngày). Định kỳ bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khoẻ và tiêu hoá tốt thức ăn. Có thể tận dụng các bể xi măng cũ để nuôi ếch Thái Lan. Khi khống chế độ sâu nước 10 – 20cm (không để mực nước quá cao, ếch sẽ ngộp nếu không lên cạn được) phải sử dụng giá thể để ếch lên cạn cư trú. Giá thể cho ếch lên bờ (gỗ, tấm nhựa nổi, bè tre…). Phải bố trí đủ giá thể để tất cả ếch có chổ lên bờ (1/3 – 1/2 diện tích bể). Trường hợp giữ mực nước cao 10 – 20cm có thể không cần phải che bể.
2- Nuôi ếch trong ao đất
Ao diện tích trong khoảng 30 – 300m2 (4x8m, 5x10m, 10x20m). Ao không quá lớn khó quản lý. Có thể trải bạc nylon nơi ao không giữ nước. Rào chung quanh ao để tránh ếch nhảy ra. Có thể dùng lưới, tôn fibro xi măng, phên tre rào 1-1,2m. Mực nước ao khống chế 20 – 30cm, có ống thoát nước tránh chảy tràn.
Mật độ thả ếch giống nên thưa hơn nuôi trong bể xi măng 60 – 80con/m2 là tối ưu trong tháng đầu. Tạo giá thể cho ếch lên cạn ở (bè tre, gỗ, tấm ni lon…). có thể dùng lục bình làm nơi cư trú cho ếch. Diện tích giá thể 50% diện tích ao nuôi (khi ao không có bờ để ếch lên ở). Thường xuyên thay nước để tránh nước dơ ếch bị nhiễm bệnh (2 – 3 ngày/lần). Chỉ thay nước 1/3 – 1/4 tránh thay hết nước. Thức ăn viên nổi cho ăn 3 – 4 lần cho ếch giống và còn 2 – 3 lần cho ếch lớn (100gr). Thức ăn thả trực tiếp trên giá thể hay trên cạn.
Nuôi ếch trong ao đất ít tốn chăm sóc hơn nuôi trong bể xi măng và chi phí đầu tư thấp hơn nhưng có nhược điểm: Tỷ lệ sống thấp hơn nuôi trong ao do khó kiểm soát dịch bệnh, dịch hại và lựa ếch vượt đàn. Ao có nhược điểm dễ bị rò rỉ, ếch đào hang để trú ẩn.
3- Nuôi ếch trong giai hay đăng quầng
Giai có kích thước 6 – 50m2, có đáy, treo trong ao (2×3, 4×5, 5x10m). Chiều cao 1 – 1,2m. Vật liệu là lưới ni lon. Giai có nắp để tránh ếch nhảy ra và chim ăn. Tạo giá thể cho ếch lên cạn cư trú (tấm ni lon đục lỗ, bè tre). Tổng diện tích giá thể chiếm 2/3– 3/4 diện tích giai.
Mật độ nuôi trong giai tương đương nuôi trong bể ximăng (150 – 200 ếch con trong tháng đầu). Đăng quầng có kích thước lớn hơn giai (100 – 500m2). Dùng lưới ni lon hay đăng tre bao quanh một diện tích trong ao. Mật độ nuôi trong đăng quầng (20 – 40 con/m2). Thả lục bình, bè tre, nylon nổi để làm nơi ếch lên cạn cư trú. Diện tích giá thể 3/4 diện tích đăng quầng.
THỨC ĂN VÀ CÁCH CHO ẾCH ĂN
Ếch Thái Lan sử dụng được thức ăn viên nổi ngay từ ếch con (1 tháng tuổi). Có thể sử dụng được thức tĩnh khác như cá tạp băm nhỏ, cám nấu (nhưng phải tập khi chuyển từ thức ăn viên). Tại Việt Nam chưa có thức ăn chuyên cho ếch. Có thể sử dụng thức viên nổi cho cá da trơn hay cá rô phi của các công ty CARGILL, BLUE STAR, UNIPRESIDENT. Thức ăn viên nổi có kích cỡ và hàm lượng protein thay đổi theo kích cỡ hay tuổi của ếch nuôi.
Hàm lượngprotein | Kích thướcviên thức ăn | Thời gian nuôitừ giai đoạn ếch con |
35%30%
25% 22% |
2,2 – 2,5 mm3,0 – 4,0 mm
5,0 – 6,0 mm 8,0 – 10 mm |
15 ngày đầu (3 – 30gr)30 ngày kế tiếp (30 – 100gr)
30 ngày kế tiếp (100 – 150gr) Sau 75 ngày (> 150gr) |
LƯỢNG THỨC ĂN SỬ DỤNG
Lượng cho ăn điều chỉnh hàng ngày tùy theo sức ăn của ếch. Có thể cho ăn theo bảng sau:
– 7 – 10% trọng lượng thân (ếch 3 – 30gr)
– 5 – 7% trọng lượng thân (ếch 30 – 150gr)
– 3 – 5% trọng lượng thân (ếch trên 150gr)
Số lần cho ăn
– Ếch (3 – 100gr): Cho ăn 3 – 4 lần/ngày. Chiều tối và ban đêm cho ăn nhiều hơn
– Ếch trên 100gr: Cho ăn còn 2 – 3 lần/ngày.
Tăng trọng và hiệu quả sử dụng thức ăn: Sử dụng thức ăn viên nổi, trọng lượng ếch Thái Lan sau thời gian nuôi:
– 30 ngày nuôi: 30 – 50gr
– 60 ngày nuôi: 100 – 120gr
– 90 ngày nuôi: 150 – 180gr
– 120 ngày nuôi: 200 – 250gr
Hệ số thức ăn (Lượng thức ăn cho 1kg ếch tăng trọng) đối với thức ăn viên nổi.
– 1,2 – 1,3: Nuôi trong đăng quầng
– 1,3 – 1,5: Nuôi trong bể xi măng, giai.
MỘT SỐ BỆNH ẾCH THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ BỆNH
Ếch nuôi công nghiệp, mật độ cao có thể mắc một số bệnh làm tỉ lệ sống giảm. Có bệnh vi khuẩn, virus, dinh dưỡng, môi trường. Phổ biến những bệnh sau: Lỡ loét và đỏ chân, sình bụng, thân có những đốm trắng, ăn lẫn nhau.
Bệnh lở loét đỏ chân:
– Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển khi môi trường nuôi dơ và khi ếch bị shock.
– Triệu chứng bệnh: Ếch giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Giải phẩu nội tạng, thấy xuất huyết trong ổ bụng.
Chữa trị khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Dùng kháng sinh 5 – 7 ngày. Norfloxaxine (5gr/kg thức ăn), hoặc Oxytetracycline (3 – 5gr/kg thức ăn). Ngâm ếch trong dung dịch Iodine (PVP Iodine 350: 5 – 10 ml/1m3 nước)
– Phòng bệnh: Giữ nước sạch và thường xuyên thay nước.
Bệnh sình bụng:
– Nguyên nhân: Do ếch ăn thức ăn ôi thiu hay do cho ăn quá nhiều ếch không tiêu hóa được, nguồn nước nuôi dơ do ít thay nguồn nước
– Triệu chứng bệnh: Bụng ếch trương phồng lên, ếch nằm yên một chổ. Một số con có hậu môn lòi ra, ruột bị sưng lên. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn
– Cách chữa trị: Ngưng cho ăn 1 – 2 ngày. Làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Sulphadiazine và trimethroprim (4 – 5gr/kg thức ăn). Sử dụng liên tục 5 ngày
– Phòng bệnh: Định kỳ trộn các men (enzymes) tiêu hóa vào thức ăn của ếch. (2 – 3gr men Lactobacillus trong 1 kg thức ăn). Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch
Bệnh mù mắt, cổ quẹo:
– Triệu chứng: Mắt bị viêm sưng. Mắt đục và mù cả hai mắt. Biến dạng cột sống và cổ quẹo. Ếch thường xuyên quay cuồng và chết. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng có tài liệu cho là do vi khuẩn Pseudomonas sp
– Chữa trị: Loại bỏ những con có triệu chứng bệnh. Khử trùng bể bằng Iodine (PVP Iodine) liều lượng 5 – 10ml/ m3 nước bể.
Hiện tượng ăn nhau: Nguyên nhân, nuôi mật độ cao. Thức ăn không đủ. Kích cỡ nuôi không đồng đều. Phòng chống: Mật độ không quá cao. Thức ăn phải đủ chất (protein phải đúng) và phân bố đều và nhiều lần trong ngày. Thường xuyên lọc và phân cỡ bể nuôi khi ếch nhỏ dưới 50gr.
Nguồn: nghenong.com